_________________________
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan và Huế, Mậu Thân 1968.
Đã hơn bốn mươi hai năm trôi qua …..
Có quá nhiều kỷ niệm về Huế trong tôi. Tạ từ Huế đã lâu, lâu lắm rồi, từ dạo quê hương bắt đầu đắm chìm trong thảm họa. Hơn ba mươi ba năm, chưa một lần về nhìn lại cảnh cũ người xưa, để tìm dấu vết thời gian, không gian, của một Huế ngày tháng rất xa, xa lắm...
Nam Cali vùng San Bernardino, nơi xứ lạ quê người, không gian và thời gian của những ngày cuối năm, buổi sáng trời trở lạnh, sương mù mênh mông, mờ ảo, gợi nhớ Huế đến nao lòng. Cũng vào những ngày cuối năm, cũng sương mù mênh mông dày đặc như thế, và chắn cả lối đi như thế. Hình ảnh những người đàn bà Huế với chiếc áo dài, khi ẩn, khi hiện, trong sương sớm. Quẩy đôi thúng cá, nặng trĩu, kẽo kịt trên vai, họ đi từ Chợ Dinh qua cầu Gia Hội, chợ Nọ qua cầu Tràng Tiền đến chợ Đông Ba. Hay những gánh cơm hến từ vùng Cồn Hến, băng qua Đập Đá lên đường Hàng Me. Rồi thì nồi bún trâu từ lò trâu Vân Dương lên vùng An Cựu, thơm lạ lùng và rất quyến rũ trong sương sớm. Ai là dân Huế mà chưa một lần ăn bún trâu Vân Dương thì quả là một thiếu sót lớn trong đời!
Giờ này, thời gian cuối năm cũng đã gần kề. Từ chốn xa xôi biền biệt, chợt thấy nhớ quê hương, nhớ Huế một cách lạ lùng, nhớ da diết,.. nhớ xót xa những ngày cận Tết năm 1968. Từ ngữ Mậu Thân, từ ngữ 1968, tất cả đều làm người ta nhớ ngay đến Huế - HUẾ MẬU THÂN 68, đã vĩnh viễn đi vào lịch sử với nỗi hãi hùng, kinh sợ.
Đã hơn bốn mươi năm trôi qua, vết thương Mậu Thân vẫn còn rất mới, rất đau trong lòng. Cứ mỗi độ đông về, trái gió trở trời, vết thương lại nhức nhối trở lại. Nhất là thế hệ chúng tôi, những kẻ mà nửa cuộc đời tuổi trẻ, đã sống trọn và dâng hiến cho "cầu Tràng tiền sáu vài mười hai nhịp", cho "sông An cựu nắng đục mưa trong", cho "tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương", và cho những ngày mưa bụi giăng đầy từ Văn Thánh, Thiên Mụ, xuống Kim Long về Bạch Hổ, qua Hoàng Cung của một thời... Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo...
Mưa bụi nhạt mờ trên giòng sông Hương, trôi về Đập Đá, Vỹ Dạ. Dòng sông âm thầm lặng lẽ, như đời người dân lành Huế, với bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu nghịch cảnh của một thời chính chiến tao loạn, vẫn âm thầm lặng lẽ như sông...
Và khi đang ở lính, được phép về Huế, lang thang qua trường Đồng Khánh, ngang bến đò Thừa Phủ vào buổi chiều tan học, khi mà "Áo em trắng quá nhìn không ra"... chạnh lòng nhớ về ai đó ngày xưa, lòng ngẩn ngơ man mác, mộng mơ theo vài vần thơ Quang Dũng:
Hồn lính vương qua vài sợi tóc
Tôi thương em mà em đâu có hay!
Đó là Huế yêu dấu của tôi. Một nửa quãng đời tôi sống và lớn lên từ Huế. Bây giờ tháng năm xa cách, thật nhớ không nguôi, nhớ vô cùng, nhớ ơi là nhớ...
Nhớ lại Mậu Thân 1968, sau 22 ngày bị VC chiếm giữ, 22 ngày chìm trong địa ngục, đến ngày thứ 26, Huế hoàn toàn được giải thoát, vạn lần tạ ơn người lính VNCH.
Thế nhưng sau tai ương thảm khốc này, Huế còn lại gì?
Thân thuộc, gia đình, bạn xa, bạn gần, láng giềng xa, láng giềng gần,... bao nhiêu mất mát chia lìa, bao nhiêu tống biệt sinh ly, bao nhiêu ngậm ngùi xót xa. Huế cam chịu sau ngày đó.
Huế 1968, Tội ác đảng CSVN
Sau Mậu Thân Huế chẳng còn gì, có chăng là những đổ vỡ điêu tàn trong lòng người và trong lòng cố đô Huế.
Việt Cộng tràn vào Huế vào khuya ngày mồng một, rạng ngày mồng hai Tết Mậu Thân. Sau 22 ngày tàn sát dân lành, gây tang tóc, điêu linh, đổ nát, bọn chúng bắt đầu chạy trốn khỏi Huế, vào khuya 22/2/1968. Sau khi QLVNCH đẩy được bọn chúng ra khỏi Huế, thì Huế còn lại chỉ là những đau thương cùng cực, với 5327 nạn nhân mà chúng đã chôn sống, chôn chết, và 1200 người mất tích, không còn một chút dấu vết để tìm kiếm.
Huế điêu tàn đổ nát, thành phố đầy rẫy xác người. Từ đường Lê Lợi, đến đường Nguyễn Huệ, trường Thiên Hựu, vùng Dòng Chúa Cứu Thế kéo về đường Duy Tân, qua đường Lý Thường Kiệt, Trần Cao Vân, khu tòa Đại Biểu, khu tòa Hành Chánh Tỉnh, bệnh viện Trung ương Huế, khu Bưu Điện, Ngân Khố, tất cả bị tàn phá nặng nề, đâu đâu cũng xác người, bên vệ đường, trong lùm cây bụi cỏ, "trên nóc nhà thành phố, trên con đường quanh co"... xác người đã sình thối và bắt đầu rữa nát.
Dòng sông An Cựu "nắng đục mưa trong" có 6 cây cầu bắc ngang. Cầu An Cựu nối liền quốc lộ I ra Tỉnh Quảng Trị đã bị phá sập hoàn toàn. Cầu Kho Rèn, cầu Phủ Cam, cầu Bến Ngự, 3 cây cầu loang lổ vết đạn pháo binh, hư hại đến hơn 70%, không thể sử dụng. Duy chỉ còn cầu Nam Giao nối liên thành phố lên vùng Từ Đàm Nam Giao, và cầu Ga, nối liên thành phố lên ga tàu lửa Huế Đà Nẵng, Huế Quảng Trị tương đối còn có thể tạm dùng được.
Và cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp ngay giữa lòng thành phố Huế, chỉ còn lại năm vài, một đầu vài kia đã chìm xuống dòng sông lạnh.
Khu Quận 2, trung tâm thương mại Huế lại càng điêu tàn và tang thương hơn. Dãy phố nối dài từ bến xe Nguyễn Hoàng xuống đến đường Trần Hưng Đạo, qua đường Phan Bội Châu, đường Hàng Bè, đến khu Gia Hội đường Chi Lăng, khu Trung Bộ, đường Bạch Đằng, đến tận trường trung học Gia Hội, qua khu Bãi Dâu, nhiều cửa tiệm đã sập, nhiều cửa hàng có đến hằng ngàn vết đạn, đầy những xác người và những mồ chôn tập thể.
Trở vào quận I thành nội Huế, nơi đây trong 22, ngày trận chiến xảy ra nặng nề nhất. Bị Quân lực VNCH vây chặt, cộng quân không còn đường rút lui, nên cố phá vòng vây của TQLC Việt Nam Cộng Hòa, Nhảy Dù, Sư Đoàn I BB, và tất nhiên dẫn đến điêu tàn và thiệt hại nhân mạng nhiều nhất.
Thành nội Huế với những cửa thành: Thượng Tứ, Chánh Tây, Nhà Đồ, Đông Ba, Cửa Trài, khu Kỳ Đài tất cả đều bị tàn phá, sụp đổ nặng nề, có nơi không còn viên gạch nào chồng lên viên đá nào.
Khu vực Tây Linh, Tây Lộc, đường Hòa Bình, Đinh Bộ Lĩnh cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba tất cả điêu tàn sụp đổ, xác người sinh thối.
Tang thương và đau đớn nhất là khu vực Đại Nội, Tử cấm thành, một di tích lịch sử, một vết tích của triều đại nhà Nguyễn đã bị phá hủy nặng nề.
Hơn 150 năm trước, dưới triều Vua Minh Mạng, bà Huyện Thanh Quan hoài vọng nhà Lê đã viết trong bài "Thăng Long hoài cổ":
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương.
Thì năm 1968 cố đô Huế, Đại Nội, Tử Cấm Thành còn điêu tàn khủng khiếp, rùng rợn hơn Thăng Long ngày xưa ngàn lần.
Và trong những ngày kinh hoàng cơ cực của Mậu Thân 1968, dân chúng Huế đã tỵ nạn ngay trong thành phố Huế, nơi chôn nhau cắt rốn của họ.
Tất cả các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Kiểu Mẫu, Lê Lợi, Thiên Hựu, Thượng Tứ, Hàm Nghi, Dòng Chúa Cứu Thế, nhà thờ Phủ Cam đều biến thành trại tỵ nạn, hằng ngàn người tá túc trong một chỗ.
Đàn bà, trẻ thơ, ông già, bà lão, họ kinh hoàng, thất thần, đói khát, ôm nhau để cùng chết, cùng sống, trong những giờ phút bi thương đó. Khổ nạn đã vút tận trời xanh, cùng cực đã xuống tận đáy sâu, kể sao cho hết, viết sao cho cùng. Ôi! Huế đau thương, Huế đọa đày. Huế địa ngục trần gian có thật của năm Mậu Thân 1968.
Và những ngày tháng kể tiếp, Huế trong cảnh điêu tàn còn phải gánh chịu thêm tang tóc chia lìa. Có thể nói hầu như không có gia đinh nào không có thân nhân bị VC sát hại hoặc bắt đi. Vợ mất chồng, con mất cha, anh em mất nhau, bạn gần, bạn xa, hàng xóm láng giềng vắng bóng.
Những ngày kế tiếp, Huế sống trong chút hy vọng mong manh, và niềm đau đớn tuyệt vọng tận cùng. Mọi người đã sống trong khắc khoải với hy vọng người thân trở về, và trong nghẹn ngào, đau khổ khi tìm thấy xác của thân nhân nằm chết co quắp bên vệ đường Lê Lợi, Duy Tân, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Chi Lăng, Nhà Bè, Đinh Bộ Lĩnh, Hòa Bình, ngã tư Anh Danh, miếu Âm Hồn, hoặc chết tức tưởi trong lùm cây, bụi cỏ, dưới hố sâu, hầm cạn, tại trường Trung học Gia Hội, Bãi Dâu, tại cửa Đông Ba, Thượng Tứ Nhà Đồ, bên bờ khe vực thẳm, dọc theo Khe Đá Mài, Khe Trái, Khe Lụ, tại vùng Lăng Xá Bàu, Lang xá Cồn v...v. . . Và như như Trần Tế Xương đã nói:
“Bừng con mắt dậy, ngỡ mình chiêm bao”.
Quả đúng, buổi sáng thức giấc, chợt thấy thành phố Huế phủ một màu tang trắng, như một giấc chiêm bao! Hằng đoàn người khăn tang áo chế, theo sau hằng trăm cỗ quan tài, nghẹn ngào, chậm bước dọc cầu Tràng Tiền, theo đường Lê Lợi, lên nghĩa trang Ba Đồn cạnh đàn Nam Giao, nơi mồ chôn tập thể của những hàng ngàn nạn nhân vô tội bị Việt cộng tàn sát.
Còn gì đau thương hơn, hỡi trời, hỡi đất, hỡi sông Hương núi Ngự, hỡi Cung miếu triều xưa, hỡi hồn thiêng sống núi, hỡi anh linh tiền nhân, sao nỡ đọa dày dân tộc đến tận cùng khổ đau.
Có thể là một nghiệp báo chăng? Có thể ngày xưa trên đường Nam tiến mở mang bờ cõi, các vị Tiên Đế đã làm điều gì lỗi đạo với nhân sinh, để ngày nay con cháu phải trả món nợ oan khiên này? Và tại sao lại trả bằng chính bàn tay của người Việt theo cộng sản. Phải chăng chủ nghĩa CS đã biến những ai theo nó không còn là người Việt, nói đúng hơn, là không còn tính người?
Huế trong tình trạng gạo thiếu, nhu yếu phẩm thiếu, điện thiếu, nước thiếu. Dân Huế đang quằn quại, cơ cực trong các chỗ tỵ nạn, xác người sình thối trong thành phố, và hầu như các trại tỵ nạn không nơi nào có nhà vệ sinh cho đồng bào. Họ phải tùy cơ ứng biến, vì thế không một trại ty nạn nào không bốc mùi hôi thối.
Nguy cơ về những cơn bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những ngày này thời tiết lại quá xấu, bầu trời thật thấp, phủ một màu xám. Từng cơn mưa phùn trải dài qua thành phố, ngày này sang ngày khác. Dưới cái lạnh cắt da, ông già, bà lão, trẻ thơ, run rẩy trong chiếc áo mong manh, họ đang bị đói rét trong các trại tỵ nạn.
Huế trong đổ nát điêu tàn, trong đau thương quằn quại, Huế nằm bất động như người bệnh bán thân bất toại, tưởng chừng như không bao giờ gượng dậy nổi.
Một số người Huế đã nói: "Huế chỉ để mà nhớ, chứ không để mà ở", và họ đã bỏ Huế ra đi . . .
Thế nhưng, có một người, mặc dầu thân sinh là người Bắc, nhưng ông ta lại được sinh ra tại Huế, lớn lên tại Huế, rời khỏi Huế từ độ quê hương chìm đắm trong binh lửa. Nhưng mỗi khi Huế gặp nạn, dân Huế gặp khổ đau, ông lại trở về Huế, với tâm chân tình và tấm lòng của người con xứ Huế, thiết tha cứu Huế và chia sẻ bất hạnh với đồng bào Huế.
Sáng hôm nay, ngồi viết những dòng này về ông, mà lòng không nén được nỗi xúc động, tưởng nhớ đến ông: Một người anh cả trong lực lựợng CSQG.
Không những riêng tôi, mà một số lớn anh em đồng đội trong lực lượng CSQG muôn đời thương tiếc và kính trọng ông.
Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Tiếng tốt và tiếng xấu. Bây giờ ông đã khuất, không còn trong cuộc đời phiền muộn này nữa, nhưng Ông đã để lại tiếng tốt muôn đời, để lại sự kính trọng, và lòng biết ơn của rất nhiều người dân Huế.
Ông chính là Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh Lực Lượng CSQG (1966- tháng 5/1968).
***
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan sinh ngày 1-2-1930 tại Huế. Tốt nghiệp khóa 1 trường Võ bị Thủ Đức.
1953 Thiếu Tướng Loan thụ huấn khóa phi công tại trường Không quân Salon de Provencce tại Pháp, tốt nghiệp với bằng Kỹ Sư Hàng không. Ông là một trong những phi công lái khu trục cơ đầu tiên của VNCH.
1960 ông giữ chức vụ CHT Phi đoàn 2 Quan sát tại Nha Trang.
1964, vinh thăng Đại Tá, Tư Lệnh Phó Không Quân VNCH.
Ngày 11-2-1965, Đại tá Nguyễn Ngọc Loan đã dẫn đầu những phi đoàn A1 Skyraider vượt vỹ tuyến 17, oanh tạc miền Bắc Việt Nam, trong chiến dịch Mũi Tên Lửa (Flamming Dart).
Chưa bao giờ trong cuộc chiến đầy bi thảm của quê hương mà lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu chống Cộng sản của dân quân Trị Thiên lại lên cao đến như vậy. Dân chúng, học sinh, sinh viên Huế đã tổ chức biểu tình lớn để hoan hô, vinh danh những người hùng Không Lực VNCH, những Kinh Kha của thời đại, đã vượt sông Gianh xông vào đất địch. Những tên tuổi Nguyễn cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan, Phạm Phú quốc, lúc đó đã được đồng bào trân trọng vinh danh.
Tôi bấy giờ chỉ là viên sĩ quan trẻ, cấp Thiếu úy, tôi được biết tên ông từ dạo đó.
Sau cuộc hành quân Mũi Tên Lửa 11-2-65, Đại tá Nguyễn Ngọc Loan được bổ nhiệm về làm Tổng Giám Đốc CSQG, Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội, Giám đốc Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.
Tháng 3/1966 miền Trung Huế dậy sóng. Biến động lớn xảy ra chỉ vì tham vọng, điên cuồng, bất chấp vận mệnh quốc gia dân tộc, say mê quyền lực của Thích Trí Quang. Một kẻ khát khao giấc mộng làm “QUỐC TRƯỞNG”, “QUỐC PHỤ”. Sau khi phá đổ được thể chế đệ nhất Cộng Hòa, qua phong trào Phật Giáo tranh đấu biểu tình làm tê liệt chính quyền, dẫn đến cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963, say men chiến thắng, ngỡ mình là “anh hùng cái thế”, Trí Quang liên tiếp khống chế, gây bất ổn chính trị cho đất nước. Với sự nhượng bộ của Mỹ, Trí Quang liên tục thay đổi điều hành các “triều đại” theo ý hắn ta, qua quyền lực đen của các cuộc biểu tình xuống đường của Phật tử tranh đấu. Từ “triều đại” Dương văn Minh, đến “triều đại” Nguyễn Khánh, đến “triều đại” Khánh –Minh – Khiêm, đến “triều đại” Trần văn Hương, đến “triều đại” Phan Huy Quát. Rồi đến thời gian đầu của chính quyền Tướng Thiệu-Kỳ. Tất cả đều bị Trí Quang thao túng, xếp đặt nhân sự. Đến khi hành động của y vượt quá sự chịu đựng của chính quyền Johnson, và đất nước trên bờ vực thẳm để cho CS thôn tính, các tướng lãnh phẫn nộ, thì Henry Cabot Lodge không thể nào nghe lời và chiều chuộng Trí Quang được nữa. Bị phía Mỹ từ chối không ủng hộ, từ Sài Gòn, Trí Quang bay ra Huế mưu đồ đại sự lần nữa, với sự giúp sức của cs Hà Nội, qua bàn tay điệp viên Hoàng Kim Loan. Trí Quang, một kẻ lừa bịp, mượn chiếc áo nâu sòng để đi buôn chính trị, một cán bộ cộng sản nằm vùng quá lâu trong Phật giáo. Trí Quang cùng với đám cơ sở Việt cộng như, Đôn Hậu, Chánh Trực, Thiện Siêu, Nguyễn Khắc Từ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Phan duy Nhân, Hoàng Phủ Ngọc Phan…vv…, dưới sự hổ trợ mạnh mẽ, chỉ đạo, và giật dây của Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam, qua tên Trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan, bọn chúng mưu đồ biến miền Trung thành một vùng trái độn, và âm mưu biến cố đô Huế thành thủ đô của đám MTGP Miền Nam.
...một cảnh Trí Quang (ngồi trái) cầm đầu biểu tình chống chính phủ tại Saigon
Cuộc biến động xảy ra từ tháng 3/1966 kéo dài trong 100 ngày. Tình hình rối loạn từng giờ, từng ngày. Công sở của chính quyền bị đám phản loạn chiếm giữ. Cơ sở Ngoại giao đoàn bị đốt phá. Quân đội, công chức, cảnh sát, ngã theo đám tranh đấu. Thành phố không còn Chính quyền, không còn luật pháp quốc gia. Đám tranh đấu muốn vu khống, muốn đánh đập, muốn bắt bớ, muốn giết ai tùy thích. Dân chúng Huế kinh hãi, hỗn loạn, đời sống mỗi ngày mỗi cạn kiệt vì thiếu cung cấp của thị trường như thường nhật. Huế sống trong tuyệt vọng, hoang mang nhìn tương lai vô định.
Chính phủ Trung ương liên tục cử ra bốn vị tướng với chức Tư Lệnh Quân Đoàn, để ổn định tình hình miền Trung. Nhưng tình hình thì mỗi ngày một rối loạn thêm. Họ bó tay đầu hàng. Từ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, mà đã ngã theo Thích Trí Quang chống lại chính phủ Trung ương, đến Thiếu tướng Nguyễn văn Chuân, rồi đến Trung Tướng Tôn Thất Đính, tất cả thể hiện sự bất tài bất lực. Ông Đính sợ hãi Trí Quang và phong trào tranh đấu, chạy trốn vào BTL/Sư đoàn TQLC Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, rồi đến cả Thiếu tướng Huỳnh văn Cao. Thiếu Tướng Cao đã bị viên Trung úy Sư Đoàn I BB ly khai Nguyễn Đại Thức bắn, cũng may ông không bị trúng đạn, và cuối cùng, Tướng Cao cũng trốn luôn vào BTL/TQLC Hoa Kỳ tại Đà Nẵng.
Tình hình rối loạn và gần như tuyệt vọng tại miền Trung, sau khi bốn Tướng đã bỏ chạy. Đến phiên Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc CSQG, được Chính phủ giao trọng trách ổn định và tái lập an ninh trật tự tại miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.
Theo Đại tá Trần Minh Công, Viện Trưởng Học Viện CSQG/ VNCH, hồi đó Đại Tá Công là một Sĩ quan trẻ của LL/CSQG cùng đi với Đại tá Loan ra Đà Nẵng, thì lực lực lượng của BCH/hành quân dẹp loạn của Đại Tá Loan gồm có Chiến Đoàn TQLC/VNCH, được tăng phái thêm một tiểu đoàn Nhảy Dù/VNCH. Lực lượng hành quân được không vận ra Phi trường Đà Nẵng, đã phải ở trong phi trường mất hai ngày, mà không thể tung quân ra được. Đại tá Loan muốn tránh một cuộc đổ máu xảy ra. Bởi lẽ, Trung đoàn 56 BB/VNCH ly khai đang bố trí và sẵn sàng tấn công lực lượng của Đại Tá Loan. Đó là chưa nói đến bên cạnh Trung Đoàn 59 BB ly khai, còn có một tiểu đoàn BĐQ của Thiếu tá Nguyễn Thừa Du cũng đã hợp tác với lực lượng tranh đấu tại Đà Nẳng.
Thiếu Tướng KQ Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, đã bay ra Đà Nẵng họp cùng Đại Tá Loan. Thiếu Tướng Kỳ có ý định cho chiến đấu cơ của Không Quân VNCH cất cánh, nhắm BCH của Trung đoàn 56 BB ly khai chỉ với mục đích cảnh cáo, nhưng gặp ngay phản ứng về phía Chính Phủ Hoa Kỳ. Tư lệnh lực lượng TQLC/Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, Trung Tướng Tướng Walt đã gởi một thông điệp cho Thiếu Tướng Kỳ:
“Nếu chiến đấu cơ của KQ/VNCH cất cánh, ông ta sẽ cho chiến đấu cơ Hoa Kỳ ngăn chận, bắn hạ ngay”.
Được hỏi lý do tại sao, Theo Đại tá Trần Minh Công, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan cho rằng có lẽ Hoa Kỳ đã buộc Chính phủ VNCH phải chấp nhận một số điều kiện nào đó của họ, thì họ mới chịu để yên cho Chính phủ VNCH ra tay dẹp đám phản loạn Thích Trí Quang. Và kết luận cay đắng của Đại Tá Trần Minh Công:
“Thật tình không hiểu nỗi, đây là Đồng Minh kiểu gì.”
Cũng theo Đại Tá Trần Minh Công, lúc bấy giờ tình hình tại Đà Nẵng rất căng, rất nguy hiểm, và đầy bất trắc. Có thể đánh nhau lớn trong thành phố Đà Nẵng, giữa lực lượng hành quân dẹp loạn của Đại Tá Loan gồm TQLC, Nhảy Dù VNCH, và quân đội ly khai gồm có Trung Đoàn 56 BB, tiểu đoàn BĐQ của Thiếu tá Nguyễn Thừa Du, cộng với đám tranh đấu ô hợp, nhưng vô cùng sắt máu cuồng tín, mà đại đa số là cơ sở Việt Cộng, thuộc 2 Đại Đội SV Phật Tử Quyết Tử, do chính SV Nguyễn Đắc Xuân chỉ huy, từ Huế vào tăng cuờng cho lực lượng tranh đấu tại chùa Tỉnh hội Đà Nẵng. Bọn chúng đã được trang bị vũ khí.
Bàn thờ Phật bị đem ra đường làm phương tiện cản lối quân đội chính phủ từ Saigon ra dẹp loạn
Để tránh việc đổ máu do phe mình đánh phe ta, Đại Tá Loan đã dùng những người bạn thân của Thiếu Tá Nguyễn Thừa Du, bí mật tiếp xúc và chiêu dụ Thiếu Tá Du trở lại với chính phủ. BĐQ là một trong những binh chủng thiện chiến nhất của QLVNCH, Tiểu đoàn BĐQ của Thiếu tá Du lại đang chiếm giữ thành phố Đà Nẵng, không chiêu dụ được tiểu đoàn này thì rất có thể máu sẽ nhuộm đỏ Đà Nẵng. Người phụ trách công tác chiêu dụ Thiếu Tá Nguyễn Thừa Du là Đại Úy Nguyễn Tự Cường.
Đại úy Nguyễn Tự Cường xuất thân Khóa 7 Võ bị Đà Lạt. Ông là chuyên viên tình báo, phụ trách tình báo hải ngoại vùng bắc Lào. Sau đảo chánh 1963, ông bị bắt giữ và giam tại Cục An Ninh Quân Đội.
Theo lời ông kể lại với tôi:
“Sau đảo chánh 1963, anh bị bắt vì bị cho là người của Cậu Cẩn. Tù một năm được thả ra, đói quá, mấy thằng Mỹ trả tiền và xúi dại anh tham gia đảo chánh, chỉnh lý lung tung, lại bị An Ninh Quân đội bắt nữa, lần này bị giam gần 2 năm.”
“Đang trong tù thì cửa tù mở, dẫn đi trình diện ông “Sáu Lèo”, anh đâu biết ‘’Sáu Lèo’’ là ai, hỏi viên Sĩ quan đi theo thì mới biết ‘’Sáu Lèo’’ là Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, Cục Trưởng Cục ANQĐ và cuộc gặp mặt với anh ‘’Sáu Lèo’’ xẩy ra như sau:
- Đ…Cụ anh, làm cái gì mà tham gia đảo chánh lung tung để phải ngồi tù.
- Thưa đại tá, em làm gì đâu, sau đảo chánh 1963 em bị bắt vì tội người của Ông Cậu. Một năm sau được thả ra, đói quá tham gia chỉnh lý kiếm tí tiền còm.
- Mầy quen Nguyễn Thừa Du không?
- Bạn thân
- Nó theo đám tranh đấu, Tiểu đoàn BĐQ của nó đang chiếm thị xã Đà Nẵng. Mày ra Đà Nẵng dụ nó trở về được không?
- Em làm được.
- Làm được, cho làm lớn, còn không về lại Cục ở tù tiếp.
- Trình Đại tá, làm được nhưng phải có điều kiện.
- Điều kiện gì?
- Trước khi đi Đà Nẵng, Đại tá phải cho em truy lãnh 3 năm lương. ‘’Có thực mới vực được đạo’’, bạch hóa hồ sơ, không ghi vào quân bạ. Đại tá làm được hai chuyện đó thì em đi Đà Nẵng dụ thằng Du, còn không em vào tù tiếp, không đi.
- Được.
Và như thế, Đại úy Cường đã gặp Thiếu tá Nguyễn Thừa Du, và kết quả là Thiếu tá Du rút Tiểu Đoàn BĐQ ra khỏi thành phố Đà Nẵng, tránh được việc nồi da xáo thịt giữa những nguời lính VNCH với nhau.
Đại úy Nguyễn Tự Cường ngay sau đó đã được Đại tá Loan bổ nhiệm làm Trưởng ty An Ninh Quân đội thị xã Đà Nẵng (1966-1975), Ông và Đại tá Loan tính tình có nhiều điểm hợp nhau.
Trung Tá Nguyễn Tự Cường cũng đã theo Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Ông đã mất vào tháng 12/2007 tại Nam Cali.
Phần Thiếu Tá Nguyễn Thừa Du, ông theo Đại Tá Loan dẹp xong vụ biến động miền Trung về Sàigòn và được Đại tá Loan bổ nhiệm đi làm Trưởng Ty CSQG một trong những quận tại Chợ Lớn.
Dù vậy, súng cũng đã nổ, và đã có người chết. Khi Đại tá Trần Minh Công tiến quân vào Chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng, ông đã tìm thấy có mười mấy xác chết đã sình thối trong nhà kho của chùa, và chính ông cho lệnh nhân viên thuộc quyền đưa những thi hài sình thối này ra xe để đi chôn.
Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đã ổn định được tình hình tại Thị xã Đà Nẵng, ông rời Đà Nẵng ra Huế, tiếp tục nhiệm vụ nặng nề đầy hiểm nguy mà chính phủ đã đặt lên vai Ông, đó là dẹp loạn tại Huế.
Còn người tiếp tục ổn định tình hình an ninh trật tự tại Đà Nẵng là Quận Trưởng Cảnh sát Trần Minh Công, tân Trưởng Ty CSQG thị xã Đà Nẵng, người mà Đại Tá Loan tin cậy vào tài năng, cũng như lòng dũng cảm.
Quận Trưởng Cảnh Sát Trần Minh Công không phụ lòng của Đại tá Loan, ông ta đã hoàn tất nhiệm vụ mà Đại tá Loan giao phó cho ông, một nhiệm vụ nặng ngàn cân: tiếp tục ổn định tình hình rối loạn.
Chỉ một năm sau, 1967, tình hình Đà Nẵng đã hoàn toàn ổn định. Đại Tá Loan lại thuyên chuyển ông vào SàiGòn giữ chức vụ Trưởng Ty CSQG Quận II, thành phố Sàigòn, để rồi Mậu Thân 1968, trong 2 đợt tổng công kích của VC vào Thủ đô Sàigòn, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia và Quận Trưởng Trần Minh Công lại sát cánh cùng nhau, tung lực lượng CSQG phản công ngăn chận 2 đợt tấn công của VC vào Sàigòn ngay những giờ phút đầu tiên.
Tôi trở lại vụ Tướng Loan dẹp loạn miền Trung:
Ngày 8/6/1966 Biệt Đoàn 222 Cảnh sát Dã chiến thuộc BTL/CSQG, do Trung tá Phan Huy Sảnh chỉ huy, đổ quân chiếm ty CSQG Thị xã Huế.
Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan và bộ tham mưu hành quân dẹp loạn đến Huế vào ngày 9/6/1966. Lực lượng hành quân chiếm lại Tòa Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế. Đại Tá Loan đặt BCH hành quân tại đó. Tôi trình diện Đại tá Loan, nhận công tác. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông.
Huế lúc bấy giờ hoàn toàn nằm trong tay Thích Trí Quang và Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam, qua tên Trung Tá điệp viên Hoàng Kim Loan, Thành ủy viên Thành ủy Huế. Chúng định biến Huế thành vùng trái độn.
Chiến trường Huế đã mở. Mặt trận Trị-Thiên-Huế, vừa chính trị vừa quân sự sẽ rất cam go, nguy hiểm và đầy bất trắc. Tất cả đang chờ đợi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan nhảy vào thử lửa, thử tài.
Dọc dãy Trường Sơn, cạnh sườn Thừa Thiên-Huế, lực luợng quân sự của Hà Nội, Sư Đoàn 324B, thuộc Quân Khu Trị Thiên đang ém quân chờ đợi biến cố lớn xảy ra tại thành phố Huế, là sẽ xua đại quân bôn tập tấn công chiếm Huế ngay.
Nếu Đại tá Nguyễn Ngọc Loan không kịp thời cứu Huế, có lẽ Huế đã mất vào tay Cộng sản mà không cần phải đợi đến Mậu Thân 1968.
Tại thành phố Huế, Sư Đoàn I.BB một trong những đơn vị tinh nhuệ nhất của QLVNCH, dưới sự chỉ huy của Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhận, có thể nói một số lớn các đơn vị của Sư Đoàn này cùng với Tư Lệnh, Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, đã ly khai với chính phủ trung ương, phục vụ cho Trí Quang, người mà lịch sử đã nhận chân là một tên đại bịp tôn giáo, đem giang sơn và lý tưởng tự do đặt dưới giấc mộng tranh bá đồ vương. Thích Trí Quang đang chờ đợi Đại Tá Loan.
Thích Trí Quang và lực lượng tranh đấu của hắn ta gồm có:
Bốn đại đội Sinh viên Quyết Tử do tên Nguyễn Đắc Xuân, SV Sư phạm Hán Việt chỉ huy. Bốn đại đội này đã được Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận đưa vào TTHL/Văn Thánh của Sư Đoàn I.BB huấn luyện quân sự, trang bị vũ khí. Bọn chúng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội ly khai, cũng đang chờ đợi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan.
Với chiếc áo nâu sòng, với danh nghĩa Phật Giáo, với chức vị Thượng Tọa, Thích Trí Quang đã mù quáng hóa các liên đoàn Công chức Phật Tử, giáo chức Phật Tử, Tiểu thương Phật Tử của các chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu. Họ, theo lệnh Trí Quang, đang chờ đợi dàn chào Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan. Lực lượng này khoảng vài chục ngàn người.
Hai phong trào quần chúng đấu tranh do tên Trung tá Điệp viên Hoàng Kim Loan thành lập, cũng đang chờ đợi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan. Đó là Phong trào Sinh Viên Tranh Thủ Hòa Bình, do sinh viên Y Khoa Đại học Huế Tôn Thất Kỳ chỉ huy, Phong trào SV Tranh thủ Dân Chủ, do sinh viên Luật Khoa Nguyễn Hữu Giao chỉ huy.
Đau lòng và nghiệt ngã nhất là những thằng con bất hiếu của Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan. Chúng đã nghe lời quyến rũ của kẻ nội, ngoại thù bất lương Thích Trí Quang, Hoàng Kim Loan, quay lại chống ông. Đó là Lực Lượng CSQG Phật Tử thuộc Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên và Thị xã Huế. Lực lượng này gồm khoảng trên năm ngàn sĩ quan và Cảnh Sát viên.
Con phản lại cha, theo giặc, làm loạn. Thật là đại bất hạnh cho Đại Tá Loan và lực lượng CSQG/VNCH và sau rốt là ĐẠI bất hạnh cho đất nuớc.
Cuối cùng và quan trọng hơn hết vẫn là hai viên Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Phong trào tranh đấu, đó là Thích Trí Quang và điệp viên Hà Nội Hoàng Kim Loan. Với thành tích làm nên 3 “đại sự” :
- Thứ nhất: làm sụp đổ nền đệ nhất cộng hòa.
- Thứ hai: khống chế thao túng một loạt các chính quyền sau đó.
- Thứ ba trực tiếp cùng với cán bộ CS Hoàng Kim Loan điều hành tất cả các biến động miền trung.
Với 3 thành tích “lẫy lừng” như thế, rõ ràng tướng Loan đang đối đầu với một địch thủ, mà căn cứ theo “thành tích”, sức mạnh rõ ràng là hơn ông nhiều. Cho nên, quả là nói không ngoa, trận thư hùng hứa hẹn một mất một còn, không những mất còn đối với tướng Loan, mà còn mất còn ngay cả đối với vận mệnh Miền Nam.
Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, một anh hùng hào kiệt của binh chủng Không quân VNCH, một hiệp sĩ Kinh Kha của thời đại, đã từng vượt sông Gianh Bắc phạt, trong chiến dịch ‘Mũi Tên Lửa’. Giờ đây tháng 6/1966, Kinh Kha đang trực diện với một giai đoạn cay đắng và nguy hiểm của lịch sử. Đó là ông phải nhảy vào một chiến trường mà trong đó đầy dẫy những nguời con Huế nối giáo cho giặc, giết hại thường dân vô tội Huế, những kẻ mượn áo nâu sồng để mưu cầu quyền lực chính trị tối cao. Trận đánh còn gian nan hơn so với việc dẫn đầu Phi Đoàn Không Quân VNCH lao mình vào đất địch.
Thích trí Quang và Hoàng Kim Loan đã dùng niềm tin tôn giáo của 80% dân chúng Huế để gài Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan vào chiếc bẫy rập. Khó khăn lớn nhất của ông là một số lớn dân chúng Huế lúc bấy giờ, vì cuồng tín, mà đã không phân biệt được lý lẽ đúng, sai.
Đau lòng thay, Đấng từ bi cũng đã bị hai tên này lợi dụng. Đó là chuyện “Bàn thờ Phật xuống đường”.
Thắng trận này chưa hẳn là một vinh quang. Nhưng nếu bại trận, thì đó là một yếu tố đương nhiên, dẫn đến đầu hàng sớm hơn ngày 30/4/75 của dân chúng và chính phủ miền Nam Việt Nam. Và ngay chính bản thân ông, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, đời binh nghiệp của ông, sẽ giống như số phận của 5 Tướng Thi, Nhuận, Chuân, Đính , Cao.
Thế nhưng, thật không hổ danh anh “Sáu Lèo”. Đại tá Loan đến Huế, đối đầu với một lực lượng phản loạn to lớn, hùng hậu. Và nguy hiểm hơn cả thảy, đó là, cuộc chiến mang tính nhạy cảm của một sự việc có thể đưa đến mầm mống khiêu khích đối đầu với Phật Giáo, mà sức mạnh của nó đã được khẳng định qua việc làm sụp đổ chính quyền đệ nhất cộng hòa và làm suy yếu các chính quyền kế tiếp. Điều này được thực hiện theo kế hoạch rất chu đáo mà Hà Nội đã dự tính, qua bàn tay khao khát quyền lực của Trí Quang, nhóm “sư” CS nằm vùng trá hình và sự điều động tài tình của điệp viên Hoàng Kim Loan.
Can đảm, bình tĩnh nhảy vào chiến trường cam go và đầy cạm bẫy. Ông thông minh khéo léo tung những đòn phản công lúc hư, lúc thực. Y như Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo Giang Hồ của Kim Dung, nghiêng ngả thân người, tung Tửu quyền chế ngự địch thủ- Và ông đã chế ngự được và dẹp tan đám phản loạn :
- Không có đổ máu xảy ra.
- Thu hồi Sư Đoàn I.BB lại cho quân lực. Giao Sư Đoàn I.BB cho Đại Tá Ngô Quang Trưởng, Tham Mưu trưởng Sư Đoàn Nhảy Dù VNCH chỉ huy và chỉnh đốn lại.
- Thu hồi lại Huế cho chính Phủ Trung Ương từ tay Thích Trí Quang, và Trung tá điệp viên Hà Nội Hoàng Kim Loan.
- Bắt giữ thủ phạm gây rối Thích Trí Quang.
- Bắt giữ Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận.
- Bắt giữ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi
- Và khoảng trên một ngàn các thành phần tranh đấu chủ chốt vừa dân sự và quân sự bị bắt đem vào Cục ANQĐ và BTL/CSQG xét xử.
- Thanh lý môn hộ và tái tổ chức gia đình CSQG tại BCH/CSQG Thừa Thiên Huế.
Và điều quan trọng nhất là đem lại bình yên và ổn định cho đời sống đồng bào Thừa Thiên-Huế.
Trước ông, bốn vị tướng lãnh đã hoàn toàn thất bại trước tình hình rối loạn, mà hậu quả là có thể dẫn tới mất luôn miền Nam. Họ đã bỏ mặc dân chúng Huế sống trong cảnh kinh hoàng, lo sợ, căng thẳng từng ngày. Huế sống dưới sự trấn áp, đe dọa, khủng bố của đám Vệ binh đỏ Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, những phần tử thân cận của Thích Trí Quang, những cơ sở nội thành nòng cốt của Thành ủy viên Việt cộng Hoàng Kim Loan. Huế trở thành vô chính phủ, không còn luật pháp quốc gia, Huế chỉ còn luật rừng của đám giặc cỏ này.
Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, Tư lệnh CSQG, ông đã giải thoát đồng bào Huế khỏi cơn tai ương của đám giặc, tái lập lại luật pháp quốc gia, an ninh và trật tự công cộng.
Ngày tôi đưa ông và BTM/Hành quân của ông xuống phi trường Phú Bài về lại Sàigòn, tôi còn nhớ ông dặn tôi:
- Mày cẩn thận lo giữ mình, bọn nó không tha mày đâu !
Tôi trả lời ông:
- Dạ, Đại tá, và thêm:
- Bọn họ nói Đại tá và em là hai tên “Phản đạo’’ đổ bàn thờ Phật.
- Mày buồn vì câu nói đó?
- Không Đại Tá.
- Minh làm đúng, vì đó là bổn phận và trách nhiệm của mình. Ai muốn nói gì thì nói, để ý làm gì.
Sau này, trong chín năm chịu trách nhiệm an ninh, tình báo, bảo vệ sinh mang và tài sản của đồng bào, mỗi khi có biến động lớn xảy ra tại Huế, khi mà tình thế đòi hỏi buộc phải có những quyết định và hành động cứng rắn với những thành phần, những phong trào phá rối tạo nguy cơ cho Huế và cho đồng bào Huế, tôi vẫn thường nhớ đến câu nói của Đại Tá Loan, như một “mệnh lệnh”, một huấn dụ của ông đối với tôi.
- “Mình phải hành động vì đó là bổn phận và trách nhiệm của mình, ai muốn nói gì thì nói, để ý làm gì ”.
***
Trở lại hai đợt “Tổng công kích, Tổng nổi dậy”, đợt I vào Tết Mậu Thân 1968, và đợt II vào tháng 5/1968 của lực lượng Việt cộng vào Thủ đô Sàigòn và Huế cùng với hầu hết các đô thị lớn của Chính phủ VNCH gồm 36 tỉnh, trong số 44 tỉnh lỵ và 6 thành phố lớn của miền nam Việt Nam.
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư lệnh CSQG/ VNCH, ông đã làm gì để bảo vệ Thủ đô SàiGòn? và đã làm gì để giúp đỡ đồng bào Huế? đang trong cảnh khốn cùng, trong tuyệt vọng, trong đau thương tang tóc, trong điêu tàn đổ nát? Rồi đến đợt II tổng Công Kích, Tổng khởi nghĩa của bọn chúng vào thành phố Sàigòn, Thiếu Tướng Loan, Ông đã làm gì để bảo vệ Thủ Đô VNCH?, bảo vệ sinh mạng và tài sản của đồng bào tại Sàigòn, Chợ Lớn và rồi cũng từ lý do và trách nhiệm đó, ông lại phải nhận lãnh một định mệnh đau thương, khắc nghiệt, oan trái cho đời ông và cho gia đình ông.
|
một cảnh Trí Quang biểu tình trước Dinh Độc Lập và tướng Loan che dù ra gặptrong mưa, 1967 |
Tôi không thể nói gì và viết gì về Thiếu Tướng Loan trong thời gian VC tấn công Sàigòn. Vì nếu tôi viết, tôi sẽ là một kẻ nói dóc, ba hoa về sự thật của lịch sử. Tôi sẽ mang tội với chính tôi, với tất cả mọi người, và nhất là đối với Thiếu Tướng Loan. Thời gian đó tôi đang ở Huế, đang cùng với các chiến sĩ anh hùng của QLVNCH và CSQG Thừa Thiên-Huế phản lại các đợt tấn công của VC vào Huế. Nhưng về phần Thiếu Tướng Loan tại Huế, sau khi trận đánh Mậu Thân 1968 chấm dứt, tôi sẽ viết rõ.
***
Phần đầu, tôi xin mượn lời của Tiến sĩ Luật Khoa, Thẩm Phán Trần An Bài, sau này là Giảng sư của Học Viện CSQG/Việt Nam Cộng Hòa, và của Đại Tá Trần Minh Công Viện Trưởng Học Viện CSQG/VNCH mà trước đó, Mậu Thân 1968, ông là Chỉ huy trưởng CSQG/Quận II Thủ Đô Sàigon, trong những giờ phút đầu VC tấn công Sàigòn, ông đã cùng sát cánh với Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan tung lực lượng CSQG và đích thân chỉ huy ngăn chận các đợt tấn công của VC.
Và đêm 30 rạng ngày 31 tháng năm 1968 dương lịch, tức đêm mồng một rạng ngày 2 Tết, Thủ đô sàigòn bị VC tấn công tại một số địa điểm như:
Phi trường Tân Sơn Nhất, BTTM/QLVNCH, đài phát thanh Sàigòn, Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Dộc Lập, phía đường Nguyễn Du, BTL/Hải Quân. Thật sự thì Đài phát thanh Sàigòn đã bị VC chiếm giữ một thời gian rất ngắn, nhưng ngay tức thì, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan đã đích thân điều động lực lượng CSQG và cùng với đơn vị quân đội, ông đã chiếm lại đài phát thanh Sàigòn, không để cho VC có cơ hội phát đi bất kỳ một lời tuyên truyền nào của chúng.
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan hành xử Luật Pháp Quốc Gia :
Sáng ngày mồng 2 Tết Mậu Thân, Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đang chỉ huy trận đánh khốc liệt tại khu vực Chợ Lớn, đường Sư Vạn Hạnh và Ngô văn Tự, thì một Sĩ Quan thuộc Chiến Đoàn TQLC/VNCH giải giao đến ông tên Đại Úy VC, Nguyễn văn Lém tự Bảy Lốp, mà Chiến đoàn TQLC vừa bắt được.
Nguyễn văn Lém tự Bảy Lốp chỉ huy đơn vị đặc công, trước đó vài giờ, đã giết toàn bộ gia đình của một Sĩ Quan CSQG gồm mẹ, vợ, con và thân nhân của vị Sĩ Quan này. Sau đó y chỉ huy tấn công và kiểm sóat trại Phù Đỗng của binh chủng Thiết giáp. Bảy Lốp bắt giữ gia đình của Trung tá Nguyễn Tuấn, dùng vợ con của Trung tá Tuấn làm con tin, bắt Trung Tá Tuấn chỉ dẫn cách xử dụng xe tăng còn lại trong trại. Trung Tá Nguyễn Tuấn từ chối, Bảy Lốp đã giết sạch gia đình Trung Tá Nguyễn Tuấn, gồm cả bà mẹ già của Trung Tá Tuấn đã 80 tuổi, chỉ có một bé trai bị thương nặng và sau đó đã được cứu sống.
Trước đó, y là thủ phạm đã giết chết 34 thường dân vô tội và là tác giả mồ chôn tập thể của 34 đồng bào này - Y khai rất hãnh diện về thành tích đó.
Nhân chứng Nguyễn Trường Toại, một thường dân đã kể lại rằng: “Tôi biết hắn đã làm những gì, trong cuộc chạm súng với QLVNCH, hắn sử dụng trẻ em làm lá chắn, đẩy trẻ thơ vô tội làm bia đỡ đạn, làm QLVNCH không thể nổ súng, để cho đồng đội hắn tẩu thoát”.
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã được báo cáo đầy đủ về tội trạng và hành động man rợ của tên VC này, và khi nhìn xác chết thê thảm của các trẻ thơ vô tội tại hiện trường, nghẹn ngào căm phẫn, ông đã hỏi :
- “Tại sao, chuyện gì vậy?” - Khi biết được đầu đuôi tự sự, ai là hung thủ của việc giết người man rợ, tàn bạo này, Thiếu Tướng Loan, không ngăn được cảm xúc của sự phẫn nộ, đã nổ súng, hạ sát tên thủ phạm, Đại úy Đặc công Nguyễn văn Lém tự Bảy Lốp.
Bám sát theo theo BCH hành quân của Thiếu tướng Loan lúc đó là đám ký giả chiến trường ngoại quốc, trong đó có nhiếp ảnh gia Eddie Adams của hãng thông tấn AP, và phóng viên quay phim cho hàng tin NBC người Việt Nam là ông Võ Sửu.
Tất cả diễn biến về việc Thiếu Tướng Loan xử bắn tên đặc công Bảy Lốp đã được Võ Sửu và Eddie Adams thâu hết vào ống kính. Tướng Loan thấy rõ chuyện thu hình này, cho nên, nếu muốn, ông có thể ra lệnh tịch thu hết các các cuốn phim. Nhưng không, ông không làm như vậy, và ông đã quân tử nói với Eddie Adams cùng các ký giả ngoại quốc cũng như ông Võ Sửu lúc đó:
- Tên VC này đã giết vô số đồng bào của tôi và người Hoa Kỳ . Eddie Adams kể lại:
- Lúc đầu tôi tưởng Lém được dẫn đến để Tướng Loan thẩm vấn. Khi ông rút súng chĩa vào Lém, tôi vẫn còn tưởng ông chỉ dọa thôi, hóa ra, ông bắn thật .
Ngay tối hôm đó, mồng 2 Tết Mậu Thân, Eddie Adams đã chuyển bức hình Thiếu Tướng Loan xử bắn tên đặc công Bảy Lốp từ Sàigòn đi khắp thế giới.
Cả thế giới rúng động, và đám ký giả ngoại quốc, các phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ, Việt Nam, Âu Châu, và nhiều quốc gia khác, tận tình khai thác bức hình này.
Nó chính là bức hình oan nghiệt, đã đưa cuộc đời của Thiếu Tướng Loan vào khúc quanh nghiệt ngã. Và cũng như đã góp phần tạo nên những dư luận sai trái bất lợi về chính nghĩa của VNCH trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản…Và cuối cùng, cộng với nhiều yếu tố khác, đã tạo nên một kết cục đau thuơng cho đất nuớc.
Tranh luận về bức hình, và hành động của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan : Đúng? Sai?
Theo Thẩm phán Trần An Bài, giảng sư Học Viện CSQG/VNCH:
Nhóm phản chiến Hoa Kỳ lý luận rằng: Đại úy đặc công VC đã bị bắt, hai tay bị trói quặt sau lưng, tức Nguyễn văn Lém tự Bảy Lốp đã thật sự trở thành tù binh chiến tranh. Tướng Loan không có quyền hành quyết một kẻ thù đã trở thành tù binh chiến tranh, không còn phương tiện tấn công. Hành động này trái với Điều 3 Quy Ước Genève ngày 12-8-1949 về tù binh.
Phóng viên chiến trường của Úc Đại lợi, ký giả Neil Davids trong cuốn “In the Frontline ” đã bênh vực Thiếu Tướng Loan, cho rằng:
Tên đặc công mặc áo dân sự, tức không phải quân nhân địch như đã qui định trong qui ước Genève về tù binh. Bảy Lém đã phạm tội quá rõ ràng là giết nhiều đàn bà con nít, và ngoan cố không chịu đầu hàng, Tướng Loan xử bắn một tên phản loạn trong thời gian Thiết Quân Luật thì cũng không có gì gọi là quá đáng.
Tướng William Westmoreland, Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, đã nhận định về hành đông của Thiếu Tướng Loan:
Không khôn ngoan, nhưng Tướng Loan đã làm dưới áp lực. Vấn đề này liên quan đến pháp lý mà ông không thể phán đóan được. Ông chỉ muốn nhấn mạnh áp lực vào thời điểm đó, tức là sự giận dữ về những hành động khủng bố của Công Sản.
Và Eddie Adams, tác giả của tấm hình đã đem lại oan nghiệt, cay đắng cho Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, cho cuộc chiến VN, đã nói bức hình của ông chỉ nói lên được một nửa sự thật. Ông đã ân hận, đã phân bua, đã gào thét trên truyền hình, truyền thanh, báo chí, để cảnh giác thế giới rằng, họ đã hiểu lầm ý nghĩa bức hình của ông. Bức hình không là cái bánh, một nửa cái bánh vẫn là cái bánh, một nửa sự thật không thể là sự thật, đó là sự sai, sự gian xảo, sự lừa phỉnh, sự lừa lọc và lầm lẫn. Thế mà cả thế giới nhắm mắt, bịt tai và im lặng, để cho Tướng Loan chết trong nỗi oan khiên, VNCH chết tức tưởi, và lịch sử VN thì viết nên những trang đầy thảm họa.
Vậy nửa sự thực kia là gì?
1- Adams đã không ghi lại được những hình ảnh mà Bảy Lốp đã bắn giết và chôn sống dã man những người dân vô tội mà Tướng Loan có trách nhiệm phải bảo vệ. Họ là đàn bà, con nít không có phương tiện tự vệ trong tay. Sự việc này cũng đã được Đìều 4 qui ước Genève ngăn cấm các quân nhân tham dự chiến tranh không được làm như vậy.
2- Adams cũng không diễn tả được cảnh Bắc Việt đã lợi dụng hưu chiến ngày Tết, tấn công VNCH, gieo bao nhiêu đau thương chết chóc cho dân chúng Nam Việt Nam.
3- Adams đã không ghi lại được cảnh hàng ngàn dân lành bị chôn sống tại Huế trong tết Mậu Thân, do tay các đồng chí của Bảy Lốp gây ra.
Tóm lại, nửa sự thật mà Adams đã không trình bày được là nguyên nhân dẫn đến nửa sự thật kia mà Adms đã diễn tả trong bức hình.
Nói cách khác, việc Tướng Loan nổ súng kết liễu đời Nguyễn văn Lém tự Bảy Lốp là hậu quả tất nhiên từ chính việc làm của Bảy Lốp, đó là, đã giết hại dã man nhiều dân lành và trẻ em vô tội .
Tranh luận về pháp lý :
1- Bốn phe tham chiến tại Việt Nam, chỉ có VNCH đã không hề ký kết vào bất cứ phần nào của Quy ước Genève về tù binh và còn công khai hóa bác bỏ vào ngày 18-2-1974.
Trong khi đó thì Hoa Kỳ ký vào ngày 2-8-1955.
Bắc Việt ký vào các năm 1953, 1957 và 1976.
Mặt trận Giải Phóng Miền Nam ký vào 1973, 1974.
Như vậy thì làm sao có thể quy kết cho Chính phủ VNCH và Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã vi phạm Quy ước này được.
2- Dù có phê chuẩn Quy ước, nhưng mỗi quốc gia lại tự giải thích Quy ước theo quan niệm và quyền lợi riêng tư của mình.
Hãy lấy ngay Bắc Việt và Hoa Kỳ làm bằng chứng:
Bắc Việt không tuân thủ quy ước dành cho tù binh Hoa Kỳ với lý do Hoa Kỳ đã mở cuộc chiến tranh đế quốc xâm lược Việt Nam, tức là cuộc chiến không có chính nghĩa, cho nên tù binh Mỹ không đáng hưởng được những đặc ân của quy chế tù binh.
Hoa Kỳ lại cũng không cho binh lính BắcViệt và MTGPMN được hưởng quy ước viện lý do là BắcViệt và Mặt Trận đã áp dụng những chiến thuật du kích quá dã man không thích hợp cho một cuộc chiến quân sự chính quy. Binh lính Bắc Vịêt và Mặt Trận bị bắt thật sự chỉ là những can phạm hình sự, chứ không phải đúng nghĩa là tù binh.
Giả như VNCH có ký vào quy ước Genève, thì có thể giải thích rằng Nguyễn văn Lém không phải là tù binh chiến tranh, và khi bị bắt, y không giao tranh với QLVNCH, mà lại đang lùng kiếm giết hại dân lành vô tội. Rõ ràng y là tội nhân hình sự chứ không phải là tù binh.
MTGPMN được khai sinh vào ngày 20-12-1960, với mục đích lật đổ chế độ chính trị miền Nam bằng bạo lực. Còn Bắc Việt thì luôn luôn chối bỏ là không hề tham dự vào các trận đánh ở miền Nam, đó chỉ là chuyện riêng tư giữa nhân dân Miền Nam nổi dậy chống nhà cầm quyền của họ mà thôi
Nếu lập luận này đúng, thì hai hậu quả được đặt ra cho vụ Tướng Loan:
- Thứ nhất, Nguyễn văn Lém là một phần tử trong tổ chức nổi loạn chống chính phủ miền Nam, nên không phải áp dụng quy chế Genève, mà là áp dụng luật lệ của VNCH.
- Thứ hai, luật pháp của VNCH thời đó đã đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, nghĩa là các cán binh cộng sản chống lại VNCH bằng vũ lực, không còn được luật pháp bảo vệ như một công dân thường.
Nguyễn văn Lém là một phần tử trong tổ chức bị luật pháp đặt ra ngoài vòng pháp luật, y lại còn bị bắt quả tang trong lúc phạm tôi hình sự nguy hiểm. Vậy thì Tướng Loan, vị chỉ huy cao cấp nhất của ngành CSQG/VNCH, đang có mặt trên phạm trường có quyền thụ lý nội vụ và quyết định những biện pháp thích nghi.
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã hành xử đúng quyền hạn của ông khi quyết định xử tử Nguyễn văn Lém ngay tại phạm trường, để chấm dứt tội ác của y. Quyết định của Tướng Loan phải được gọi là đúng luật.
Và sau cùng, luận về việc Thiếu Tướng Loan xử tử Bảy Lốp có đúng thủ tục pháp lý và nhân đạo hay không?
Theo Giảng Sư Trần An Bài thì:
Lý lẽ quan trọng nhất người ta thường nêu lên để trách cứ Tướng Loan là đã xử tử Nguyễn văn Lém tức Bảy Lốp mà không có án lệnh của tòa án.
Không, nguời ta đã lầm. Lầm hoàn toàn.
Người ta đòi hỏi Nguyễn văn Lém phải được bắt giữ đúng thủ tục tư pháp? Và ai có quyền bắt giữ kẻ phạm pháp? Đó là Cảnh Sát. Nhưng chính Cảnh Sát lại là những người đang bị Bảy Lốp tìm giết. Chẳng những giết Cảnh Sát, mà Bảy Lốp còn giết cả vợ con gia đình Cảnh Sát. Người ta còn đòi hỏi phải đem Bảy Lốp ra tòa án xét xử, còn tòa đâu mà xử?, tòa án và các cơ sở công quyền là mục tiêu của Bảy Lốp và các đồng chí của y đang quyết tâm phá hoại cho kỳ hết, giết cho kỳ sạch. Còn Thẩm Phán là những người mà Bảy Lốp đang tìm bắt để chôn sống. Trong hoàn cảnh chiến tranh, chết chóc lửa đạn như vậy, và trước một hiện trường kinh hoàng của tội ác mà y đã làm, sao còn đòi hỏi nào Quy ước, nào là Cảnh Sát Tư Pháp, nào là tòa án, nào là Thẩm phán?. Tất cả những thứ đó Nguyễn văn Lém tự Bảy Lốp không có quyền đựơc hưởng như một tội phạm thông thừong. Điều mà y đáng bị, là chấm dứt tội ác và đền tội.
Nguyễn văn Lém đã không mặc quân phục đội nón cối đi dép râu để giao tranh với quân đội VNCH như các bộ đội Bắc Việt khác. Nguyễn văn Lém mặc thưòng phục, đi giết hại khủng bố đàn bà con nít để bắt họ làm bia đỡ đạn. Lém chẳng những đã không phủ nhận mà còn hãnh diện về các vụ giết và chôn sống đàn bà con nít đầy man rợ của y.
Hành vi này kết thành tội sát nhân với trường hợp gia trọng, bắt buộc phải bị tử hình.
Phương cách thi hành bản án tử hình vẫn được áp dụng vào thời đó tại Việt Nam là tử tội bị trói vào cột, và một tiểu đội hành quyết nổ súng, sau đó viên tiểu đội trưởng đến gần bắn một phát súng ân huệ vào đầu tử tội để chắc chắn y đã chết.
Nguyễn văn Lém đã bị hành quyết đúng theo thủ tục:
Tử tội bị trói đem ra pháp trường, và hưởng phát súng hành quyết cũng chính là phát súng ân huệ của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc CSQG/VNCH.
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đến Huế.
QLVNCH và CSQG đã tiêu diệt hầu như toàn bộ các lực lượng Vc tấn công Sàigòn thủ đô miền Nam Việt Nam. Sàigòn tạm yên, nhưng Huế, mặt trận Huế vẫn còn khốc liệt. Cộng quân chiếm Huế 22 ngày, kể từ 2 giờ 32 phút đêm mồng một Tết rạng ngày mồng 2 Tết, đến khuya ngày 22 Tết Mậu Thân, bọn chúng mới bắt đầu tháo chạy, và Huế thật sự ngưng tiếng súng vào sáng ngày 26 tháng giêng Âm lịch.
Huế trong cảnh đổ nát điêu tàn, Huế đầy xác người đã sình thối, Huế nhiều mồ chôn tập thể trong thành phố, Huế đói, Huế lạnh, Huế cơ cực, Huế có quá nhiều người Huế tỵ nạn ngay trong thành phố Huế. Huế với những trại tỵ nạn, trong đó, đầy những trẻ thơ, góa phụ, ông bà già đang đói, đang run rẩy vì trời Huế quá lạnh. Huế với những tiếng khóc tức tưởi, Huế với những tiếng nấc và giòng nước mắt nghẹn ngào của thiếu phụ, của cha, của mẹ, của anh, của em, của bạn bè gần xa. Huế với những tiếng thét kinh hoàng, thất thanh, vút tận trời xanh, khi tìm ra thân xác thân nhân mình đã sình thối.
Huế sau 26 ngày bị VC chiếm đóng và tàn sát dân lành là thế đó. Với 5327 thường dân vô tội bị tên sát nhân tàn bạo nhất thế kỷ là Hồ Chí Minh và bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam của y sát hại, cùng với 1200 thường dân bị chúng bắt dẫn đi mất tích.
Huế đang trong tuyệt vọng thì Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan Tư Lệnh CSQG đến Huế cùng với những chiếc phi cơ C-130 của Không Quân VNCH với những phẩm vật tiếp cứu khẩn cấp cho đồng bào Huế.
Tôi đón ông tại Phi trường Phú Bài, vừa bước xuống cầu thang máy bay, ông đã nói:
- Tưởng mày bị bọn nó chôn sống rồi.
- Đâu dễ vậy Thiếu Tướng, em lính mà.
Trong khi chờ đợi bốc hàng khỏi máy bay, tại phòng khách danh dự của phi trường Phú Bài, tôi trình với ông tất cả những diễn biến xảy ra trong suốt 26 ngày qua. Ông nắm tình hình Huế rất vững, chính xác. Ngoài việc hằng ngày tôi báo trình vào BTL, ông còn hai hệ thống an ninh báo cáo cho ông, đó là Cục An Ninh Quân Đội và Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.
Ông hỏi tôi:
- Hai thằng Cán, và Đoàn Công Lập này bắt chúng nó chưa?
- Quận Cán thì đã bắt rồi, nhưng Đoàn Công Lập thì chưa, vì ông ta đang còn là Chief của em, và cũng chưa có lệnh của Thiếu Tướng làm sao bắt được. Hơn nữa chuyện ông ta nội tuyến em đang bám sát, có bắt bây giờ cũng chưa đủ dữ kiện để truy tố ra tòa.
- Bao nhiêu anh em tử trận, bị thương.
- Trình Thiếu Tướng, 150 người tử trận, bị thương nặng nhẹ gần 60 người.
- Số bị thương nằm ở đâu?
- Trình Thiếu Tướng ở tại Bệnh viên Trung ương Huế
- Ngày mai đi thăm họ.
Tại BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế, Thiếu Tướng Loan đã có quyết định giao Quận trưởng Nguyễn văn Cán nguyên Trưởng Ty CSQG Thị xã Huế, cho Trung tá Nguyễn Tự Cường, Trưởng ty ANQĐ Thị xã Đà Nẵng thụ lý, hoàn tất hồ sơ nội vụ trong thời hạn sớm nhất. Truy tố Tòa Án Quân sự Mặt Trận Vùng I với tội danh hoạt động cho cho địch, tiếp tay với kẻ thù sát hại đồng bào và đồng đội trong thời gian Tết Mâu Thân, với bản án đề nghị: Tử hình - Và sẽ đem ra Huế hành quyết.
Về phía ông Đoàn Công lập Trưởng Ty CSQG Thừa Thiên-Huế, Tướng Loan, giải nhiệm chức vụ Trưởng Ty tại chỗ, bắt giữ đương sự với tội danh : Hèn nhát trước địch quân, bỏ trốn đơn vị khi tác chiến và tẩu tản tài sản quốc gia (hơn 400 vũ khí trong kho đã bị thất thóat) Ông Lập bị giải vào BTL/CSQG ngày 27/2/1968.
Ngày 27/2/1968 khi đến thăm viếng và trao tặng một số phẩm vật cứu trợ như chăn mền, thực phẩm, cho đồng bào tại các trại tỵ nạn ở các trường Trung, Tiểu học trong thành Phố Huế, với nét mặt đăm chiêu buồn bã, bất chợt ông nói với tôi:
- Thật quá tội, tình hình đã tạm ổn sao họ chưa về nhà ?
- Trình Thiếu Tướng, những nguời còn nhà họ đã về từ hôm qua, những người này nhà cửa đã bị bọn Vc đã đốt cháy rụi rồi, còn nhà đâu nữa mà về.
Nghe tôi nói xong, ông im lặng, chẳng nói năng gì.
Sau khi thăm một số anh em Cảnh sát bị thương đang nằm tại Bệnh viện Trung ương Huế, trên đường trở về lại BCH/CSQG, ông nói với tôi:
- Tao đã có cách giúp họ ! Đi gặp Tỉnh trưởng, xin thằng này một khu đất, mình xây nhà cho họ ở.
Tôi thật ngạc nhiên, chẳng nói gì, nhưng thầm nghĩ: Vật dụng đâu mà xây?
Nhân đi gặp ông Tỉnh trưởng, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để Thiếu Tướng Loan có thể can thiệp với ông ta giúp tôi về việc một mình kiêm hai chức vụ: Phó Ty CSĐB và Quận Trưởng Quận III Thị xã Huế:
- Thiếu tướng, em kiêm hai chức vụ, trọng trách quá nặng, sợ không chu toàn nổi. Bây giờ tình hình quân sự đã tạm ổn, Thiếu tướng nói với ông ta cho em giao lại, về lo việc tình báo bên CSĐB.
- Đúng rồi, đó là điều tao muốn nói với ông Tỉnh trưởng, trả mày lại cho tao, mày còn nhiều việc phải làm.
Ba hôm sau tôi bàn giao Quận III Thị xã Huế cho một Thiếu tá, và trở lại thuần túy lo công việc của ngành CSĐB.
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan và trại tỵ nạn Tình Thương cho đồng bào Huế.
Theo yêu cầu của Thiếu Tướng Loan, Ông Tỉnh Trưởng đã cấp một khu đất rộng và dài tại đường Hòa Bình, thuộc Quận I thành nội Huế. Khu đất rộng mênh mông này nằm sát Tử Cấm Thành của Hoàng Cung.
Cầu không vận của Binh chủng Không Quân VNCH đã được thiết lập giữa Sàigòn-Huế, hàng tấn vật liệu xây cất như tôn, xi măng đã được chở ra Huế.
Với hơn 100 nhân viên Cảnh sát do tôi tuyển chọn, và khoảng 200 đồng bào tình nguyện. Như vậy là 300 nhân công, loại có tay nghề cũng có, và loại tay mơ trời ơi đất hỡi như tôi cũng có, do ông cai thầu là Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan tức “Anh Sáu Lèo” chỉ huy, và phó cai thầu là Trung úy Liên Thành.
Chỉ trong 16 ngày, chúng tôi hoàn tất khoảng 500 căn nhà, mái lợp tôn, vách bằng đủ mọi thứ có được, hầu hết là ván ép. Như vậy có chỗ cho 500 gia đình trú ngụ tạm thời, không phân biết họ là ai. Gia đình quân đội, cảnh sát, công chức, thường dân, những ai mất nhà mất cửa đều được mời vào trú ngụ.
Trong suốt 16 ngày xây cất. ngoại trừ những lúc phải giải quyết công việc khẩn cấp, ngoài ra, hầu hết thì giờ Thiếu tướng Loan đều có mặt, ông cũng xắn tay áo, tay cầm búa cầm đinh, miệng la hét đốc thúc y như là ông cai thứ thiệt.
Có một lần tôi cũng như ông, tay búa tay đinh, cùng đám đệ tử đứng gần, bất chợt, nhìn dáng dấp của ông, tôi nín cười không được quay qua nói với đám đệ tử :
- Bọn bây nhìn Ông Tướng mình giống anh cai thầu quá phải không?
Cả bọn cùng cười, bị ông bắt gặp, ông hỏi chúng tôi:
- Đ … cụ chúng này cười gì đó.
Tôi trả lời ông tỉnh bơ:
- Thì cười Thiếu Tướng đó, trông ông giống y chang ông cai thầu. Ông cũng cười, nụ cười thật hiền lành.
- Thôi làm việc đi, làm nhanh lên cho đồng bào có chỗ ở.
Mười sáu ngày sau, ngày khánh thành khu Trại Tình Thương cho đồng bào tỵ nạn Huế, Thiếu Tướng Loan đứng vòng tay ngay cửa chính nhìn đồng bào nhập trại với nụ cười thỏa nguyện, mọi người đi ngang trước mặt ông đều cất tiếng:
- Cám ơn Thiếu Tướng,
- Cám ơn Ông Tướng,
- Cám ơn Ôn.
Và ông vẫn đứng vòng tay im lặng, nhìn họ bằng ánh mắt trìu mến.
Thiếu Tướng ! trong trăm ngàn nỗi khổ đau khốn cùng mà dân Huế đã cắn răng, gồng mình chịu đựng suốt 26 ngày VC tàn sát thân nhân họ, và chính bản thân họ, trong kinh hoàng, trong run rẩy đói lạnh tại các trại tỵ nạn, ông đã tìm về với họ, về với Huế, về với thành phố đầy ắp những kỷ niệm thời niên thiếu của ông, với một tấm lòng, một vòng tay, và một trái tim mở rộng, cứu giúp họ.
Họ đã ghi lòng tạc dạ ân tình đó, để rồi 5 tháng sau, khi VC tấn công vào Sàigon trong đợt II, tôi sang trại Tỵ Nạn tình Thương của ông báo cho họ biết:
- Thiếu Tướng Loan đã bị trọng thương, ông đã bị địch bắn gãy hai chân trong một trận giao tranh với chúng tại cầu Phan Thanh Giản Sàigòn .
Thiếu Tướng ! ông biết không, những nguời đó, những kẻ khốn cùng mà ông đã cứu giúp, cả mấy trăm người trong trại tỵ nạn đã bật khóc thành tiếng. Những dòng nước mắt ràn rụa của góa phụ, của ông già, của bà lão, đã tuôn trào ra tiếc thương ông. Lẫn trong những tiếng khóc nghẹn ngào đó, chợt có tiếng la lớn của một cụ già, rất già :
- Ông trời! răng người nhân đức như ông mà lại gặp nạn !
Thiếu Tướng, những giọt nuớc mắt và tiếng thét lớn của cụ già là những lời cám ơn chân thành nhất của họ, của người dân Huế đối với ông, mà họ đã ấp ủ trong lòng từ lâu lắm rồi, đối với ân nhân của họ.
Sau Trại Tình Thương, những ngày kế tiếp, Thiếu Tướng Loan hỏi lại tôi:
- Bao nhiêu anh em tử trận?
- 150 người, Thiếu Tướng.
- Quá nặng.
- Mày nói thằng Trưởng Phòng Hành Chánh của mày lập thủ tục khẩn cấp, tuyển dụng vợ của 150 anh em tử trận vào nữ Cảnh sát, ngành Đặc Biệt của mày để họ có lương tiền nuôi nấng con cái của họ. Tao không có tiền giúp họ, chỉ còn cách này thôi, phải làm gấp. Tao ký lệnh tuyển dụng, và muốn gặp mặt họ truớc khi về lại Sai Gòn.
Tôi hiểu và thi hành ngay.
Tôi may mắn có được Đại úy Hoàng Thanh Tùng, một sĩ quan Cảnh sát trẻ, năng động và nhiệt tình. Chỉ vỏn vẹn bốn năm ngày sau, vừa hồ sơ tuyển mộ, vừa hồ sơ xin trợ cấp tử tuất, đã làm xong.
Thật tình đây là một cuộc tuyển mộ phi hành chánh, không hợp với điều lệ tuyển mộ, vì hầu hết các bà quả phụ đều không biết đọc, mà cũng chẳng biết viết một chữ nào cả. Nhưng nó lại hợp với lòng nhân đạo, thương người, và nhất là lòng yêu mến và lo lắng cho thuộc cấp của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh CSQG.
Độc nhất, chỉ có Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan là người tuyển mộ nữ nhân viên Cảnh Sát kiểu như thế này.
Ngày những “Nữ Cảnh sát viên” nhận việc, Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã gặp họ trong một hội trường lớn của BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế.
Hội trường đông kín với khăn áo sô của 150 quả phụ, với trẻ thơ theo mẹ, nhỏ nhất là hai tháng tuổi, lớn nhất là năm, mười tuổi. Quang cảnh đượm nét tang chế u buồn. Tất cả im lặng và chờ đợi Thiếu Tướng Loan lên tiếng. Với giọng nói Bắc pha Huế, ông chia buồn cùng họ, giọng nói nhỏ nhẹ nghẹn ngào. Trong hội trường chợt có những tiếng khóc thút thít. Tôi nhìn ông, bất chợt thấy ông quay mặt đi , có chút lệ trong mắt ông, thật quả xúc động.
Cuối cùng ông cất tiếng nói to hơn:
- Ngày hôm nay tôi tuyển quý bà vào lực lượng Cảnh sát, để các Bà các cô có đồng lương nuôi nấng các cháu. Kể từ ngày hôm nay, các cô, các bà là “Nữ Cảnh Sát viên của Ty Thừa Thiên-Huế”.
Nhiều tiếng cám ơn Ôn trong đám đông, cùng với tiếng khóc, có lẽ họ đã quá xúc động trước tấm lòng nhân hậu của ông.
Ông chợt đến gần một quả phụ đang bồng một hài nhi khoảng hơn 1tháng tuổi, và hỏi cô ta:
- Bây giờ bà là “Nữ Cảnh Sát” rồi đó, bà muốn làm gì?
- Thưa ôn, cho em làm chi cũng được, em đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.
Ông cười và nói lớn để mọi người cùng nghe:
- Cảnh sát không có việc đi chợ nấu ăn, thôi, các bà về, hằng tháng đến gặp cái ông Trung úy trẻ Liên Thành này mà lãnh lương. Chẳng có việc gì cho các Bà, các Cô cả.
Quá hoảng, tôi nói nhỏ với ông:
- Thiếu Tướng, chết em, 150 bà đó ! Thiếu Tướng ! không phải ít đâu. Em chết chắc.
- Thì Đ….cụ mày, cho mày chết.
Mọi người ra về, ông nói riêng với tôi:
- Mày cố gắng lo cho họ đàng hoàng, sức tao chỉ có thể giúp họ ngang đó.
Thiếu Tướng ! hơn 40 năm trôi qua, kể từ ngày đó, đã bao nhiêu đổi thay cho thân phận và nỗi oan khiên nghiệt ngã của ông, nhưng 150 quả phụ, và hơn 300 trẻ thơ lúc đó mà nay đã hơn 40 tuổi, một số đã may mắn định cư tại HK, họ đã nên người, là Kỹ sư, là Bác sĩ, là Luật sư. Tôi đã có dịp gặp lại họ, cả mẹ lẫn con, đều nhắc tên ông, tên Thiếu Tướng Loan với sự kính trọng và lòng biết ơn vô vàn tấm lòng nhân hậu của ông.
- “Không có Thiếu Tướng Loan cứu mẹ con tôi, chúng tôi đã không có cơm ăn, áo mặc’’ - Đó là lời nói của những cô nhi quả phụ năm xưa, những người mà ông tuyển họ vào “Nữ Cảnh sát tại gia”, không hề có một luật lệ thủ tục nào cả!
Ngoài ra, cũng phải nói thêm về việc Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan thành lập Trung Tâm Phượng Hoàng tại BCH/CSQG Thừa Thiên Huế.
Vừa khánh thành xong trại tỵ nạn Tình Thương khoảng 12 tiếng, chưa kịp thở, ông lại bày trò chơi khác. Lần này là Trung Tâm Phượng Hoàng, một danh từ nghe quá xa lạ với chúng tôi.
Đầu tiên, ông bắt dời Trung tâm Văn Khố đã có từ thời Mật thám Pháp cho đến Mậu Thân 1968. Ông muốn dùng phòng này làm Trung Tâm Phượng Hoàng. Thế là phải mất một ngày dời đi chỗ khác. Hồ sơ văn khố vừa dời đi, thì ván ép, gỗ, đinh búa, máy lạnh ập vào, và ông Tướng lại làm Cai thợ. Hai mươi tay Cảnh sát viên có tay nghề là thợ mộc, còn tôi là thứ 21, dưới quyền chỉ đao của cai thầu “Sáu Lèo”, bắt đầu cưa, đục, đóng, nghe điếc tai. Đã thế, thêm anh “Sáu Lèo” vừa đóng đinh vừa thét, chỉ trỏ lung tung.. Cuối cùng, sau một đêm một ngày không ngủ, lao động vinh quang, căn phòng rộng mênh mông đã bọc phủ ván ép, máy lạnh chuyên viên điện cũng đã bắt xong.
Tôi nói với anh em:
- Sắp chết , sắp chết, mệt quá…
- Đ …Cụ thằng Trung úy con, nói gì đó ?
- Thì nói gì nữa, bóc lột sức lao động quá xá, gần một ngày, một đêm làm hộc hơi mà ông cai không cho ăn.
- Chúng mày chưa ăn sao? Đi ăn đi.
Ông thọc tay vào túi quần rồi rút tay ra, y như trò chơi năm lớp tư lớp ba, túi rỗng, ông chẳng có đồng nào, viên sĩ quan cấp tá trong ban tham mưu của ông dúi cho chúng tôi khỏang bảy tám ngàn gì đó.
Thật ra chúng tôi đã thay nhau đi ăn rồi, nhưng muốn tống tiền anh cai “Sáu Lèo” để tích trữ, tối kéo nhau đi nhậu.
Thế là Trung Tâm Phượng Hoàng cấp tỉnh, có lẽ là đầu tiên được thành lập từ Mậu Thân 1968, do tôi làm Tổng thư ký, điều hành Trung tâm Phượng Hoàng Thừa Thiên-Huế từ cuối tháng 2/1968 cho đến 1975. Có một điều mà những ai gần gũi và làm việc trực tiếp với Thiếu Tướng Loan mới thấy rõ được bản chất thật sự của ông.
Ông là một người rất tình cảm, dễ xúc động, bản chất nhân hậu, thương người, và điểm đặc biệt khi làm việc rất tận tụy, chi tiết, và thông minh lạ thường.
Trung Tâm Phượng Hoàng vừa thành lập xong, ngày hôm sau tôi đã phải ngồi nguyên ngày với ông để nghe ông giảng bài, để nghe ông nói về mục đính, về điều hành, về phối hợp với các cơ quan tình báo bạn của VNCH và phối hợp với cơ quan Tình báo Đồng Minh như thế nào, trong chương trình Phượng Hoàng. Rồi thì cách thức thiết lập hồ sơ Hạ tầng cơ sở địch v..v.. và v..v. Ông giảng giải cho tôi như là một ông thầy trong trường Tình báo.
[Sẽ nói chi tiết về Chương trình Phượng Hoàng này sau]
Sau gần một tháng ở Huế, Thiếu tướng Loan và toàn BTM của ông về lại Sàigòn, còn nhớ ngày tôi đưa ông xuống phi Trường Phú Bài, Ông dặn tôi hai việc:
1- Trại Tình Thương là cố gắng của lực lượng CSQG chúng ta, nhằm giúp đỡ đồng bào tỵ nạn Huế. Giao lại cho mày, nhớ lo an ninh, giúp đỡ đồng bào cho chu đáo.
2- Đám 150 quả phụ đó và đám trẻ, mày gắng lo cho họ.
- Dạ Thiếu Tướng, em sẽ lo chu toàn, Thiếu Tướng an tâm.
Tại sân bay Phú Bài, tôi và ông đứng cạnh máy bay đợi anh em cảnh sát chất hàng lên. Tất cả là những vật dụng ông đem ra từ Saigòn, trong đó có 4 xe Jeep của các Sĩ quan trong BTM và một chiếc của ông.
Chiếc xe của ông là chiếc chót được đưa lên máy bay, thì bỗng ông cho lệnh đem xe đó xuống lại, và tài xế lái xe đậu gần ông. Ông lấy chìa khóa xe trong tay viên tài xế và giao cho tôi:
- Cho mày, chiếc xe này đầy đủ mọi thứ trên đó, mày cần để làm việc. Chỉ có chiếc máy truyền tin Motorola trên xe thì trả lại cho tao, vì khác tần số ở đây.
Tôi chưa kịp nói câu gì, cho dù là hai tiếng cám ơn thì ông vỗ vai tôi và đi thẳng lên máy bay, chẳng thèm nhìn lại.
Ngày 5 tháng 5 năm 1968, VC mở đợt II Tổng Công Kích vào Thủ Đô Saigòn Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã cùng với các đơn vị Cảnh Sát can trường của ông, lại xông pha trận mạc, chiến đấu ngày đêm trên đường phố Saigòn-Chợ Lớn.
Lần này ‘Hùm Thiêng’ đã bị sa cơ, Thiếu Tướng Loan đang cầm súng chiến đấu bên cạnh những nguời lính cảnh sát gan dạ của ông, y như một khinh binh, thì ông bị địch bắn trọng thượng vào cả hai chân tại ngay trên cầu Phan Thanh Giản Sàigon. Ông ngã quỵ !!
Ông đã ngã quỵ cả thân xác và cả cuộc đời của một Anh Hùng Hào Kiệt, của một Chiến sĩ Không Quân VNCH và CSQG.
Những cay đắng, nghiệt ngã nhất của cuộc đời bắt đầu đến với ông ngay ngày đó cũng chỉ vì tấm hình. Tấm hình oan nghiệt mà gã thợ ảnh Eddie Adams phóng viên của hãng AP đã chụp vào trước đó trong đợt I Tổng Công Kích của Vc tại Saigòn.
Eddie Adams và tấm hình của anh ta đã đốn ngã đời của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan một cách tàn bạo, oan khiên.
Sau này anh ta gào thét, phân trần, hối hận, vì hành động tung ra bức hình oan nghiệt đó. Ngày ông bị trọng thương, ông được chở sang Úc để chữa trị, nhưng công luận Úc phản đối. Người ta lại hành hạ ông, hành hạ trên nỗi đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn ông, người ta lại chở ông sang bệnh viện Walter Reed Army Medical Center tại Washington DC, Hoa kỳ, ông cũng lại gặp sự quay lưng ngoảnh mặt của những kẻ mà mà trước đó, ông đã từng xả thân cứu họ. Những công dân của một quốc gia dân chủ và công bằng nhất thế giới, Hoa Kỳ, mà lại đối xử với ông như những kẻ man rợ, như những người đã cạn lòng nhân đạo, thấy chết vẫn không cứu. Trắng trợn và bẩn thỉu nhất chính là những dân biểu trong quốc hội. Họ cũng chống đối một kẻ đang bị thương trầm trọng, cần được chữa trị cấp thời. Bẽ bàng và phủ phàng hơn nữa, tướng Loan, lại là bạn bè, đồng minh và là ân nhân của công dân của họ trong trận đánh Mậu Thân.
Thiếu Tướng Loan bị từ chối chữa trị. Ông trở về với đôi chân tật nguyền khập khiễng.
Ông giải ngũ, rời khỏi đời sống quân ngũ, nơi mà ông đã suốt đời tận tụy với tấm lòng ái quốc mà không một ai có thể phủ nhận.
Ngày tháng còn lại ông để hết thì giờ giúp trẻ mồ côi.
Tôi đã viết và biết gì về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan ?
Những gì tôi biết về ông quá ít và quá hạn hẹp. Vì thời gian gần ông và làm việc cạnh ông không bao nhiêu. Có một người rất thân cận với ông và cùng sát cánh với ông trong những giờ phút điêu linh và nguy nan nhất của của tổ quốc, của dân tộc, như biến động Miền Trung 1966, Mậu Thân năm 1968, đó là Đại tá Trân Minh Công, nguyên Trưởng ty CSQG thị xã Đà Nẵng 1966. Trưởng Ty CSQG quận II thủ đô Saigòn 1968, và sau đó là Viện Trưởng Học Viện CSQG/VNCH. Xin nhường lời để Đại Tá Trần Minh Công nói về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan :
- Nhìn phong cách và diện mạo của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, nhiều người cứ tưởng lầm ông là một bạo Tướng. Nhưng nhiều lần tôi đã chứng kiến ông ngồi khóc một mình. Hiểu ra mới biết ông là một người rất giầu tình cảm. Ông thương yêu thuộc cấp và sống chết với họ. Kể cả khi ông bắt gặp đàn em làm bậy, ông cũng không nỡ trừng phạt, mà chỉ răn đe để họ cải sửa. Mỗi khi thuộc cấp hy sinh tử trận, ông khóc thương, nước mắt đầm đìa. Khi thượng cấp hiểu lầm ông, ông cũng khóc. Ông kể lể:
‘Tao phục vụ Quốc gia, Dân tộc, chứ tao đâu phục vụ cho cá nhân nào’.
Và:
- Tướng nguyễn Ngọc Loan là một vị Tướng trí thức trong hàng ngũ Tướng lãnh VNCH. Tướng Loan là một người rất can đảm, một cấp chỉ huy tài ba và là một vị Anh hùng dân tộc. Ít có một vị Tướng nào lại cùng cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận như một người lính thường. Nếu không có Tướng Loan xông pha bảo vệ Thủ Đô Sàigòn trong dịp Tết Mậu Thân, tôi nghĩ Sàigòn sẽ không khác gì Huê .
Và đây là những nhận xét và hối hận của Eddie Adams, thợ nhiếp ảnh của Hãng thông tấn AP, kẻ đã đưa cuộc đời của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan vào khúc quanh u uất, nghiệt ngã:
- Tôi mặc đồ dạ hội sang trọng để lãnh giải thưởng và tiền thưởng về bức hình đó tại Đại hội nhiếp ảnh tại Hòa Lan. Khi ban nhạc trổi bài quốc ca Hoa Kỳ, tôi bật khóc. Không phải tôi khóc vì sung sướng, mà khóc cho Tướng Loan. Cho tới giờ phút đó tôi vẫn chưa ý thức được việc tôi đã làm. Khi chụp tấm hình đó, tôi đã hủy hoại đời ông Tướng, vì ông bị dân chúng ở cả nước ông lẫn Hoa kỳ lên án về tội giết tù binh chiến tranh. Trong bất cứ cuộc chiến nào, người ta cũng vẫn còn làm như vậy, nhưng hiếm có nhiếp ảnh viên nào chụp được mà thôi. Tướng Loan là một vị anh hùng của chính nghĩa. Bức hình tôi chụp đã lừa dối công luận…. Vậy mà mọi điều nhục nhã lại đổ trên đầu con nguời này !!!
Sau này, khi Adams đến thăm Tướng Loan tại thành phố Springfield, VA, khi nhắc đến tấm hình oan nghiệt năm xưa, Thiếu Tướng Loan không hề nói một lời oán trách Edie Adams, mà ông còn an ủi Adams:
- Ông làm nhiệm vụ của ông, tôi làm nhiện vụ của tôi. Chỉ có thế thôi !
Khổng Phu Tử sống lại cũng chỉ có thể nói được câu đó đối với người đã hủy hoại đời mình, không thể nói hơn được nữa.
Ông đúng là một người luôn sống với một tấm lòng, một tâm hồn quân tử. Adams xúc động trước lời nói cao thượng đó của tướng Loan, kể từ đó, họ trở thành hai người bạn thân.
Trong cuốn Chiến sử QLVNCH, tác giả Phạm Phong Dinh đã viết về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan:
- “Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan cùng lực lượng CSQG trong đó có Cảnh Sát Dã Chiến, chịu trách nhiệm đánh địch tại lãnh thổ các quận 1,2,3,4,5. Các chiến hữu Cảnh Sát liên tục mở các cuộc hành quân loại địch ra khỏi dân chúng. Tuy nhiên, khi mặt trận Hàng Xanh nổ lớn, Thiếu Tướng Loan đã điều động Cảnh sát Dã Chiến và đích thân ông chiến đấu sát cánh với các chiến sĩ Mũ Nâu Tiểu Đoàn 30 BĐQ của Liên Đoàn 5 BĐQ. Các thám thính xa V100 của Cảnh Sát cũng đã được gởi tăng viện mặt trận. Quân ta tiến vất vả và bị chận trên khắp mặt trận là bởi vì bọn VC man rợ, chúng lùa thường dân, đàn bà, người già và trẻ em làm bia đỡ đạn, hoặc dùng súng bắn chận không cho đồng bào di tản ra khỏi khu vực giao tranh. Các chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia đã được Thiếu Tướng Loan điều động đến càn quét Vc khu vực Thị Nghè. Gia đình của một Đại úy Cảnh sát trong khu vực này chạy không kịp, đã bị Nguyễn văn Lém tự Bảy Lốp Đại úy Đặc Công VC tàn sát man rợ.’’
Những Dòng Lệ Khóc Thương Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan :
Ngày 14-07-1998 lúc 20 giờ, Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan vĩnh biệt mọi người, vĩnh viễn ra đi, để lại Phu nhân, 5 người con và 9 cháu nội ngoại. Ông hưởng thọ 68 tuổi.
Kính Thiếu Tướng,
Thiếu Tướng ra đi vào ngày 14-07-1998, mãi đến ngày hôm sau chúng tôi mới nhận được tin Thiếu Tướng mất.
Hùm chết để da, nguời chết để tiếng.
Ông đã để lại sự kinh trọng và lòng biết ơn của rất nhiều anh em chúng tôi, những kẻ đã một thời phục vụ dưới quyền ông. Ông đã để lại những ân tình, ân nghĩa trong lòng người dân Huế, trong lòng xứ Huế, nơi mà ông đã sinh ra và lớn lên. Ông đã để lại nỗi xúc động và những ân nghĩa khắc sâu trong lòng 150 quả phụ và trên 300 cô nhi, khi chồng, cha của những người này, những chiến hữu thuộc cấp của ông, đã hy sinh vì bổn phận và trách nhiệm của một nhân viên công lực tại Huế vào Mậu Thân 1968. Ông đã để lại những tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào, của nhiều ngàn người Huế trong Trại Tỵ Nạn Tình Thương, ngôi trại mà chính ông đứng ra xây cất cho đồng bào tỵ nạn vào Mậu Thân tại Huế, khi mà tháng 5 Mậu Thân 1968 tôi báo cho họ biết là Thiếu Tướng Loan đã bị trọng thương trong một trận đánh với VC tại Sàigòn.
Tôi nhớ và nhớ rất rõ, đã bắt gặp những giọt nước mắt của ông khi ông nhìn thấy nỗi cơ cực của đồng bào trong các trại tỵ nạn thành phố Huế. Mắt đã đỏ, mặt thật u buồn, khi ông gặp 150 quả phụ và hơn 300 trẻ thơ tại hội trường BCH/CSQG Thừa thiên-Huế, trong ngày đầu ông tuyển họ làm ‘Nữ Cảnh Sát tại gia’, để những người đó có cơm ăn áo mặc, để trên 300 cô nhi kia cũng nhờ tấm lòng nhân đức của ông mà chúng đã lớn khôn, thành người lương hảo.
Thiếu tướng, cõi đời này, có mấy ai nhận được những dòng lệ tiếc thương từ những người không phải là thân nhân của mình, khi mình nằm xuống? Chỉ có ông, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh CSQG /VNCH, 1966-1968.
Ông đã đem sinh mạng và danh dự của đời ông, hy sinh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sinh mạng cho đồng bào, để rồi ông phải gánh chịu những đau đớn về thể xác và những oan khiên, nghiệt ngã về tinh thần. Thật quá bất công, vô ơn và phũ phàng. Tôi vẫn nhớ ông dặn tôi:
“Họ nói gì thì kệ họ, trách nhiệm và bổn phận của mình, mình phải làm”.
Kính Thiếu Tướng, tôi không thể để “họ nói gì kệ họ” về Thiếu Tướng.
Xin ông an nghỉ! Cõi đời phiền muộn này ông đã dứt áo ra đi. Cái mà ông không thể đem theo được là lòng thương tiếc, sự kính trọng của rất nhiều chiến hữu và đồng bào đối với ông. Đó là điều vĩnh cửu.
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan.
Vĩnh biệt Thiếu Tướng….