Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Tổng quát về biến cố tết Mậu Thân (1968)

Tổng quát về biến cố tết Mậu Thân (1968) 

1. Lý do Cộng sản mở cuộc tổng tấn công

Cộng sản Việt Nam chưa một lần lên tiếng về lý do cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Chỉ biết quyết định “tổng công kích và tổng khởi nghĩa” Tết Mậu Thân được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp Trung ương (BCHTƯ) đảng Lao Động (LĐ) khóa 3 tại Hà Nội vào tháng 1-1968. Trong phần “Phương hướng và nhiệm vụ của ta trong thời kỳ mới” của nghị quyết nầy, đảng LĐ cho rằng cần phải tổ chức “tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định, đạt tới mục tiêu chiến lược mà đảng ta đã đề ra là: a) Tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. b) Tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho quân Mỹ không thực hiện được các nhiệm vụ chính trị và quân sự của chúng ở miền Nam. c) Trên cơ sở đó, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc...”(*).

“Tổng công kích" là một từ ngữ trong lý thuyết cách mạng cộng sản Trung Hoa (Trung Cộng), có ý nghĩa là tổng tấn công. Còn "tổng khởi nghĩa" là từ ngữ Việt Nam chỉ những cuộc nổi dậy chống ngoại xâm trong lịch sử, và đã được Việt Minh cộng sản sử dụng để gọi cuộc cướp chính quyền của họ vào năm 1945. 

Những mục tiêu ghi trong nghị quyết trên đây không phải là lý do đầy đủ đưa đến việc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Dựa trên diễn tiến chính trị và chiến cuộc cho đến cuối năm 1967, nguyên nhân cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân có thể như sau:

Tham vọng của phái chủ chiến ở Bắc Việt Nam: Tại Liên Xô, trong Đại hội thứ 20 của đảng CS tại Moscow từ 14 đến 25-2-1956, Nikita Khrushchev đưa ra chính sách sống chung hòa bình giữa các nước không cùng chế độ chính trị. Chủ trương nầy bị Trung Cộng (TC) phản đối. Tại Bắc Việt Nam (BVN), trong đảng LĐ xuất hiện hai khuynh hướng mâu thuẫn nhau: 1) Nhóm bảo thủ cứng rắn theo TC, phản đối chủ trương của Khrushchev, do Lê Duẩn lãnh đạo. 2) Nhóm tán thành chủ trương của Khrushchev mà Võ Nguyên Giáp được xem là người đứng đầu. Cuộc tranh chấp trong nội bộ đảng âm ỷ nhiều năm thành vụ án “chống đảng”. Nhóm cứng rắn thắng thế.

Nhóm nầy chủ trương đánh mạnh ở Nam Việt Nam (NVN), thống nhứt đất nước bằng võ lực, nghĩ rằng nếu mở cuộc tổng tấn công thì sẽ được nhân dân NVN ủng hộ, đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nhóm cứng rắn tin tưởng chắc chắn sẽ thắng lợi, đến nỗi in sẵn giấy bạc để thay tiền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Khi chiến dịch bắt đầu, Lê Đức Thọ vào NVN, giữ vai trò phó bí thư Trung ương cục, phụ tá cho Phạm Hùng, cho đến tháng 5-1968 mới trở ra Bắc vì thấy không thành công. (Huy Đức, Bên thắng cuộc, tập II: Quyền bính, Saigon: Osin Book, 2012 (bản điện tử), tr. 100.)  
Phá hủy chính quyền Việt Nam Cộng Hòa: Tại NVN, ngày 1-4-1967 hiến pháp được ban hành, làm nền tảng cho sự thành lập chính thể Đệ nhị Cộng hòa, đồng thời chấm dứt giai đoạn khủng hoảng chính trị kéo dài trong ba năm (1964-1966). Cộng sản quyết mở cuộc tổng tấn công vào đầu năm 1968 nhằm sớm phá hủy hệ thống chính quyền VNCH mới được tái xây dựng, tiếp tục tạo khó khăn và gây bất ổn cho VNCH. 

Gây dư luận tại Hoa Kỳ: Khi Hoa Kỳ tham chiến trực tiếp tại Việt Nam, giới lãnh đạo BVN nhận thức rõ khó có thể chiến thắng được quân đội Hoa Kỳ, vì quân đội Hoa Kỳ trang bị võ khí tối tân và hùng hậu. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ phong trào phản chiến càng ngày càng lên cao, nhứt là từ 1965 đến 1967. 

Quân đội Hoa Kỳ lúc đó gồm hai thành phần:

1) Quân nhân chuyên nghiệp, tự nguyện gia nhập quân đội.

2) Quân nhân động viên, gồm những thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự một thời gian tùy theo tình hình giai đoạn. Gia đình những người thi hành quân dịch tham gia mạnh mẽ phong trào phản chiến, vận động đưa thân nhân về nước, tránh bị tai nạn chiến tranh. Luật động viên ở Hoa Kỳ được bãi bỏ ngày 27-1-1973 (Ngày ký hiệp định Paris.)

Năm 1968 là năm bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, dư luận dân chúng Hoa Kỳ rất nhạy cảm. Cộng sản tin rằng tổng tấn công vào các thành phố ở NVN năm 1968, sẽ gây chấn động dân chúng Hoa Kỳ, làm gia tăng phong trào hòa bình và phản chiến, và sẽ tạo ảnh hưởng để chính phủ Hoa Kỳ sớm rút quân khỏi Việt Nam.

Chuẩn bị hòa đàm: Cuộc vận động hòa bình do Hoa Kỳ khởi phát từ năm 1964, càng ngày càng lan rộng. Đã đến lúc các bên đối đầu sửa soạn vào bàn hội nghị thương thuyết nên BVN mở cuộc tổng tấn công nhằm tạo thế mạnh trước khi vào hội nghị. (Trên thực tế, ngày 3-5-1968, Hoa Kỳ và BVN đồng ý sẽ gặp nhau tại Paris lần đầu vào ngày 10-5-1968.) (Đoàn Thêm, 1968 Việc từng ngày, Sài Gòn: Cơ sở Phạm Quang Khai, 1968. California: Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr. 156.) 

Gây bất ổn thành phố: Một hiện tượng xã hội ít được chú ý là do chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, vùng nông thôn bất ổn, nên mỗi năm có khoảng từ 500,000 đến 1 triệu dân nông thôn tránh bom đạn, bỏ ra thành thị tỵ nạn, sinh sống dưới sự kiểm soát của chính phủ VNCH. (Don Oberdorfer, Tet!, New York: Nxb. Da Capo, 1984, tr. 53.) Lúc đó, ở nông thôn CS không có dân để trà trộn trốn tránh, cũng không có dân để tiếp tế nuôi ăn, lại thiếu thanh thiếu niên để bắt lính. Vì vậy, CS đưa chiến tranh vào thành phố, làm cho dân nông thôn chạy ra thành thị quay về nông thôn, chận đứng làn sóng di chuyển từ nông thôn ra thành thị.

Khống chế mặt trận dân tộc giải phóng: Lý do cuối cùng thúc đẩy CS Hà Nội tổ chức cuộc tổng tấn công là: Khi mới thành lập năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) gồm đa số là đảng viên cộng sản miền Nam, kể cả những người gốc miền Nam ra Bắc tập kết rồi trở về, đồng thời có cả các thành phần thiên tả, không cộng sản, bất mãn chế độ VNCH, bỏ theo MTDTGP. Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, những thành phần miền Nam không cộng sản trong MTDTGP dự tính muốn trở về hợp táp với tân chính phủ VNCH, nhưng chưa có cơ hội trở về vì tình hình miền Nam xáo trộn liên tục. (Nguyễn Khánh trả lời phỏng vấn đăng trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn, Hoa Kỳ, số 112 tháng 5-1993. Ngoài ra xin xem Gareth Porter, Vietnam, A History in Documents, New York: New American Library, 1981, tt. 292-293, in lại bản dịch tiếng Anh thư của Huỳnh Tấn Phát gởi Nguyễn Khánh ngày 28-1-1965, do Nguyễn Khánh cung cáp.)

Giới lãnh đạo đảng LĐ ngoài Bắc không tin tưởng các thành phần nầy và cũng không tin tưởng những đảng viên CS gốc miền Nam trong MTDTGP. Nếu cuộc tổng tấn công nhân dịp Tết 1968 thành công, sẽ là một thắng lợi quan trọng cho BVN. Ngược lại, nếu cuộc tổng tấn công thất bại, và chủ lực của MTDTGP bị quân đội VNCH tiêu diệt, đối với đảng LĐ ở Hà Nội vẫn là điều có lợi, để đảng LĐ ở BVN gởi cán bộ và quân nhân từ BVN vào điền thế những đơn vị bị tiêu diệt, nắm gọn và điều khiển toàn bộ MTDTGP, mà không xảy ra tranh chấp nội bộ gay go. Về sau, một số nhân vật trong MTDTGP công khai tố cáo âm mưu nầy của đảng LĐ, trong đó có bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, trong MTDTGP. (Stanley Karnow, Vietnam A History, New York: The Viking Press, 1983, tt. 544-545.)

Với những tính toán trên đây, dầu cuộc tổng tấn công thành công hay thất bại, đàng nào đảng LĐ ở Hà Nội cũng đều có lợi, nên họ không ngần ngại mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân.

2. Tình hình trước cuộc tổng tấn công của CSVN

Tình hình Bắc Việt Nam: Tại Bắc Việt Nam (BVN), vào đầu tháng 7-1967, ở Hà Nội diễn ra các cuộc họp quan trọng của Bộ chính trị và Quân uỷ TƯĐLĐ, duyệt xét kế hoạch phát động cuộc “tổng công kích và tổng khởi nghĩa” vào dịp Tết Mậu Thân (1968) (Don Oberdorfer, sđd. 54). Đại tướng CS Nguyễn Chí Thanh (NCT), uỷ viên Bộ chính trị, bí thư Trung ương cục miền Nam (TƯCMN), kiêm chính uỷ Quân giải phóng miềnNam, từ NVN ra Hà Nội dự họp, chết tại quân y viện 108 ngày 6-7-1967. 

Việc NCT bị đột tử có hai cách giải thích: 1) Theo Don Oberdorfer, sđd. tr. 42, thì NCT ở chiến trường miền Nam, bị trúng bom và bị thương ở ngực, được đưa qua Nam Vang, rồi về Hà Nội, và chết lúc 9 giờ sáng ngày 6-7-1967 tại bệnh viện 108 Quân đội. 2) Theo nữ ký giả Judy Stowe, trong bài, "Lịch sử chủ nghĩa xét lại tại Việt Nam", Đỗ Văn dịch, Phụ Nữ Diễn Đàn, số 136,1995. (Internet:http://members.aol.com/cahen/xetlai.htm), NCT ra Bắc họp. Sau cuộc họp ngày 6-7 của Bộ chính trị và Quân uỷ trung ương, nội bộ ăn mừng. Vì quá chén, đêm hôm đó NCT lên cơn đau tim và chết. Tài liệu của Huy Đức, sđd tr. 96, cho biết sau buổi tiệc tối 5-7-1967, NCT bị chết sáng 6-7 tại bệnh viện Quân y 108 với kết luận của bệnh viện là “nhồi máu cơ tim”. Lúc đó, có tin nói NCT bị đầu độc.

Sau tang lễ NCT, đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa đi Hungary dưỡng bệnh. Võ Nguyên Giáp được xem thuộc thành phần xét lại thân Liên Xô, chống lại phe Lê Duẩn. Tướng Giáp trở về Hà Nội vào ngày 29 Tết tức 28-1-1968. Lúc đó, kế hoạch tổng tấn công Mậu Thân ở NVN đã được phe Lê Duẩn sắp đặt xong xuôi và nhất là những sĩ quan cao cấp thân cận với tướng Giáp trong Bộ Quốc phòng hay trong Quân ủy Trung ương đã bị phe Lê Duẩn loại bỏ. (Huy Đức, sđd. tt. 96-99.) 

Hồ Chí Minh (HCM) được đưa qua Bắc Kinh nghỉ dưỡng ngày 5-9-1967. Bộ Chính trị triệu mời HCM về nước ngày 23-12-1967, rồi sau đó ông ta lại qua Bắc Kinh chiều 1-1-1968. Lê Duẩn thay thế vai trò của HCM. (Huy Đức, sđd. tt. 97-98.) Phạm Hùng được gởi vào Nam, thay thế NCT, giữ chức bí thư TƯCMN, điều khiển cuộc chiến. (James J. Wirtz, The Tet Offensive, New York: Cornell University Press, 1994, tr. 52. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 447.)

Cũng từ giữa năm 1967, đảng LĐ bắt giam tất cả những thành phần “xét lại”, theo chủ trương sống chung hòa bình giữa những nước không cùng chế độ chính trị, nghĩa là những người trong nhóm không đồng ý với cuộc chiến xâm lăng NVN. Đó là Hoàng Minh Chính (bị bắt ngày 27-7-1967), Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang (bị bắt cùng ngày 18-10-1967). Đảng LĐ còn bách hại, khủng bố, cách chức, khai trừ ra khỏi đảng hay tù đày khoảng 43 đảng viên, cán bộ cao và trung cấp, trước khi mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968).

Để chận đứng mọi mưu toan chống lại chủ trương chính sách của đảng LĐ, nhằm tiến hành cuộc tổng tấn công NVN, nhà cầm CS ban hành pháp lệnh ngày 10-11-1967, theo đó nhà nước sẽ phạt án từ giam giữ lâu ngày đến cấm cố nhiều năm, hoặc tử hình, những người phạm tội phản cách mạng, gồm có tội gián điệp, phá hoại, chuyển ra ngoài những bí mật quốc phòng hay tài liệu của nhà nước. (Don Oberdorfer, sđd. tr. 66.)

Nhân dịp qua Liên Xô tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Liên Xô đồng thời để xin tăng viện, Lê Duẩn, bí thư thứ nhứt đảng LĐ, ghé Bắc Kinh, trình bày kế hoạch mới theo quyết định của Bộ chính trị đảng LĐ vào tháng 7-1967 và xin quân viện.

Trung Cộng hứa gởi qua BVN 300,000 quân kể cả lực lượng phòng không và công binh. (Chính Đạo, Mậu Thân 68, thắng hay bại?, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1998, tr. 32.) Trung Cộng còn hứa cung cấp hỏa tiễn 107 ly, 240 ly, quân dụng, lương khô, thuốc men. 

Tại Moscow, Liên Xô chấp thuận cho BVN thêm đại bác 130 ly, chiến xa T54, phản lực cơ Mig 21 và các loại võ khí hạng nặng khác. (Hoàng Lạc, Hà Mai Việt,Nam Việt-Nam, 1954-1975, những sự thật chưa hề nhắc tới, Texas: 1990, tr. 77.) Cũng trong dịp nầy, để một lần nữa chứng tỏ tình thân thiện Xô-Việt, những nhà lãnh đạo Xô Viết quyết định tặng HCM huân chương Lenin. 

Theo thông lệ, khi gần đến năm mới, ngày 15-12-1967, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thông báo sẽ hưu chiến 24 giờ trong dịp lễ Giáng Sinh năm 1967, 24 giờ trong dịp Tết dương lịch năm 1968, và 48 giờ trong dịp Tết âm lịch Mậu Thân. Cũng trong ngày nầy, MTDTGP đưa ra đề nghị hưu chiến 3 ngày trong dịp lễ Giáng Sinh, 3 ngày trong dịp lễ Tết dương lịch và 7 ngày trong dịp Tết âm lịch. (Đoàn Thêm, 1968, sđd. tt. 286-287.)

Trong khi đó, ngày 28-12-1967, Bộ chính trị đảng LĐ họp phiên đặc biệt do HCM, từ Bắc Kinh trở về ngày 23-12, chủ trì, quyết định tổng tấn công, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi. (Huy Đức, sđd. tr. 98.) Để làm lạc hướng dư luận và sự tính toán của các giới lãnh đạo Hoa Kỳ cũng như VNCH, vào ngày 30-12-1967 (trước Tết dương lịch 1968), bộ trưởng Ngoại giao Bắc Việt là Nguyễn Duy Trinh tuyên bố sẽ nói chuyện với Hoa Kỳ nếu Hoa Kỳ ngưng ném bom vô điều kiện. (Clark Dougan, Stephen Weiss và nhiều tác giả, The Vietnam Experience, Nineteen Sixty-Eight, Boston Publishing Company: Boston, 1983, tr. 10.) Hà Nội loan báo sẽ thả ba tù binh Hoa Kỳ vì lý do nhân đạo để đáp ứng những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam (Chính Đạo, Mậu Thân..., sđd. tr. 17).

Cuối cùng, ngày 21-1-1968, Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp Trung ương đảng LĐ khóa III họp và đưa ra nghị quyết “Anh dũng tiến lên, thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân tại NVN (đêm 29 rạng 30-1-1968). (Báo Nhân Dân, Hà Nội, ngày 31-1-1988, số kỷ niệm 20 năm cuộc tổng công kích.) Tấn công vào dịp hưu chiến Tết âm lịch nhằm gây bất ngờ cho NVN. 

Tuy nhiên, có một việc còn bất ngờ hơn nữa: Đó là việc BVN đổi âm lịch là lịch pháp dựa trên sự tuần hoàn của mặt trăng mà người Việt Nam quen dùng. Nguyên vào ngày 8-8-1967, nhà nước VNDCCH ra quyết định số 121/CP cho Nha Khí tượng thay đổi âm lịch, theo đó tháng chạp năm đinh mùi ở BVN không có ngày 30 âm lịch (gọi là tháng thiếu), trong khi ở NVN vẫn có ngày 30 âm lịch, nghĩa là mồng 1 Tết BVN đến trước mồng 1 Tết NVN một ngày.

Việc đổi âm lịch nầy có hai điểm đáng ghi nhận: 1) Nha Khí tượng Hà Nội xác nhận việc đổi âm lịch không theo tính toán của những nhà lịch pháp, mà theo quyết định của nhà cầm quyền Hà Nội. (Lịch thế kỷ XX, Nxb. Phổ Thông, Hà Nội, 1968, "Lời giới thiệu của Nha Khí tượng".) Như thế có nghĩa là sự thay đổi do quyết định hành chánh và chính trị chứ không phải là do nghiên cứu chuyên môn khoa học. Nếu đúng như lời trên đây của Nha Khí tượng Hà Nội, thì nhà cầm quyền CS phải có một dụng ý nào đó mới ban hành quyết định đổi lịch. Dụng ý có lẽ nhắm vào mục đích chiến dịch Tết mậu thân. 2) Việc đổi âm lịch không được thông báo trước mà chỉ cho dân chúng BVN biết khi đem ra áp dụng vào đầu năm dương lịch, tháng 01-1968, nghĩa là chỉ còn hơn một tháng là đến Tết âm lịch năm mậu thân. Điều nầy được xác nhận trong "Lời nói đầu" hoặc "Lời giới thiệu" của các lần xuất bản về sau sách Lịch thế kỳ XX, ví dụ lần xuất bản thứ hai (1977), thứ ba (1982), và thứ tư (1991)...

Tóm lại: ngày 29-1-1968 là mồng 1 Tết mậu thân ở BVN và là ngày 30 tháng chạp đinh mùi ở NVN. Ngày 30-1-1968 là mồng 2 Tết ở BVN là ngày mồng 1 Tết ở NVM. Nghĩa là dân chúng BVN và NVN mừng Tết trong hai ngày khác nhau: dân chúng BVN mừng Tết một ngày trước dân chúng NVN. Nói cách khác, dân chúng BVN mừng Tết xong rồi, CS mới tấn công ngày dân chúng NVN mừng Tết.

Tình hình Nam Việt Nam: Tại NVN, ngày 31-10-1967, liên danh đắc cử tổng thống và phó tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ nhận chức, nhiệm kỳ bốn (4) năm. Tân tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký sắc lệnh số 005/TT/SL ngày 9-11-1967 bổ nhiệm luật sư Nguyễn Văn Lộc lập chính phủ mới. Tân nội các gồm đa số là chuyên viên, không đảng phái. 

Trên chiến trường, gần cuối năm 1967, CS mở nhiều cuộc tấn công mạnh mẽ ở nhiều nơi từ Lộc Ninh (tỉnh Bình Long), đến Dakto (tỉnh Kontum), Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị). Gần Tết Mậu Thân (1968), CSVN tung quân tấn công các cứ điểm quân sự ở cao nguyên Trung phần, đưa ba sư đoàn 304, 320, 325, và hai trung đoàn Pháo binh cùng một đơn vị thiết giáp T-54, bao vây và pháo kích dữ dội Khe Sanh (Quảng Trị), gần vùng giới tuyến giữa hai miền Nam Bắc, từ ngày 19-1-1968. (Nguyễn Đức Phương, Chiến tranh Việt Nam toàn tập, Toronto: Nxb. Làng Văn, 2001, tt. 379-381.) Lúc đó có ý kiến cho rằng đây có thể sẽ là một trận Điên Biên Phủ thứ hai. (John S. Bowman (tổng biên tập), The Vietnam War, Day by Day, New York: Maillard Press, 1989, tr. 119.)

Trong khi đó, CS âm thầm chuẩn bị các cuộc tấn công vào thành phố. Ngày 2-1-1968, tại cao nguyên Trung phần, quân đội Hoa Kỳ tịch thu được một tài liệu có đầy đủ kế hoạch CS tấn công Pleiku và Kontum. Ngày 15-1, tại Khe Sanh, một sĩ quan CS hồi chánh cho biết sẽ có chiến dịch lớn tại vùng giới tuyến. Với nhiều tin tức tình báo khác, Bộ tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam ra lệnh báo động và thông báo cho quân đội VNCH biết, và yêu cầu VNCH hủy bỏ lệnh hưu chiến nhân dịp Tết Mậu Thân.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH, chỉ đồng ý bãi bỏ hưu chiến tại Vùng I Chiến thuật, và rút bớt 24 giờ hưu chiến trên toàn quốc. (Chính Đạo, Mậu Thân…, sđd. tt. 31-32, 344.) 

Một dấu hiệu nữa về việc CS sẽ tổng tấn công trong dịp Tết là ngày 29-1-1968 (30 Tết NVN), tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (thuộc QĐ II và Vùng II CT - VNCH), chính quyền sở tại VNCH bắt được trước sau 10 cán bộ CS với những tài liệu quan trọng, trong đó có cả máy ghi âm sẵn lời phát thanh kêu gọi dân chúng tổng khởi nghĩa. Tỉnh trưởng Bình Định báo cáo vụ việc lên thượng cấp, nhưng bộ Tư lệnh Vùng II CT không quan tâm. (Chính Đạo, Mậu Thân ..., sđd. tr. 31.)

Lúc đó, dư luận chung trong cũng như ngoài nước tin tưởng vào sự hiện diện của khoảng 500,000 quân Mỹ tại Việt Nam sẽ bảo đảm an toàn cho VNCH. Hơn nữa, do CS vừa tuyên truyền vừa chuyển quân đe dọa Khe Sanh nặng nề, nên mọi người chú tâm đến trận chiến ở vùng giới tuyến, mà ít chú ý đến những diễn tiến chung quanh các thành phố, rộn rịp khác thường trong những ngày trước Tết Mậu Thân.

Dù tổng thống Thiệu đã ra lệnh giảm hưu chiến còn 24 giờ trên toàn quốc, và bãi bỏ hưu chiến ở Vùng I CT, nhưng nói chung, mọi nơi đều nô nức đón Tết, nên việc canh phòng có phần lơ là và quả thật cuộc tổng tấn công của CSVN là một trận đánh hoàn toàn bất ngờ với dân chúng miền Nam. 

Có tài liệu cho rằng cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là một trong ba biến cố bất ngờ nhứt trong cuộc chiến Việt Nam từ 1960 đến 1975. (James J. Wirtz, sđd. tr. 28. Hai biến cố kia là: (1) Sự can thiệp và tham chiến trực tiếp của Hoa Kỳ năm 1964, mà Lê Duẩn đã phải thốt lên vào năm 1965: "Tình hình biến chuyển mau lẹ hơn là chúng tôi đã dự đoán." (2) Vụ ném bom ở Hà Nội và Hải Phòng của Không lực Hoa Kỳ vào ngày 23-12-1972.)

Một biến cố quốc tế khá quan trọng đối với Hoa Kỳ trước biến cố Tết Mậu Thân, là vào ngày 23-01-1968, tàu tuần thám Pueblo với thủy thủ đoàn 83 người của Hải quân Hoa Kỳ, đang di chuyển trong hải phận quốc tế dọc theo duyên hải Bắc Triều Tiên (BTT), bị chiến hạm BTT bắt giam. 

Dư luận Hoa Kỳ đang chú tâm theo dõi vụ Pueblo bị bắt rất căng thẳng, thì một tuần sau, nổ ra cuộc tổng tấn công của CSVN vào các thành phố khắp lãnh thổ VNCH. (Về sau, thủy thủ đoàn tàu Pueblo được BTT thả ngày 23-12-1968.) (Còn tiếp bài 2, “Lệnh tấn công”) 
lynhphan.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét