Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Một chuyến về nguồn

Trục trặc một chút sau khi khởi động, không hành đoàn là những quân nhân Mỹ phải cho kiểm soát lại động cơ, đến 7 giờ chiếc vận tải cơ DC3 số hiệu O 316164 của Không lực Việt Nam Cộng Hoà mới cất cánh rời khỏi Phi trường Tân Sơn Nhất, chở một Phái đoàn 25 Huynh Trưởng của Thủ đô Sàigòn ra thăm viếng Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên vào ngày 11 tháng Giêng năm 1964.
Cuộc thăm viếng nầy do Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử tỉnh Thừa Thiên ( HUẾ ) mời nhân dịp Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Trung Phần, Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Tỉnh Thừa Thiên và Trại Họp Bạn Huynh Trưởng QUẢNG ĐỨC tại Đàn Nam Giao.
Vì Anh Nguyễn Hữu Huỳnh, Huynh Trưởng lãnh đạo Gia Đình Phật Tử Thủ đô trong thời gian Pháp nạn, bận việc riêng không thể hướng dẫn Phái đoàn, nên đã cử thành phần lãnh đạo Phái đoàn như sau :
                                                         Cố vấn:    Bác ĐẶNG NHƯ LAN
                                               Trưởng Đoàn:   Bác Đ
Ỗ VĂN GIU
            Phó Đoàn Kiêm Huynh Trưởng Trực:   Anh HUỲNH ÁI TÔNG
                                                         Thư ký:   Anh TUỆ LINH
Các Huynh Trưởng trong Phái đoàn:   Chị PHẠM THỊ HOÀI CHÂN,   NGUYỄN THỊ MINH, TRẦN HỒNG LOAN, NGUYỄN THỊ DƯƠNG, ĐỖ THỊ AN, NGUYỄN THỊ NGÂN, Chị SƯƠNG .....   Anh NGUYỄN ĐÌNH NAM, ĐỖ NGỌC ĐẮC, NHƠN, HÒA, THẠNH, RY, TIẾN, LƯU... tổng cộng gồm có 23 Huynh Trưởng và 2 Bác, cả 2 Bác cũng mặc đồng phục. Những Huynh Trưởng trên thuộc các Gia Đình Phật Tử CHÁNH ĐẠO, CHÁNH MINH, CHÁNH ThỌ, MINH TÂM, GIÁC MINH, GIÁC LONG, GIÁC TRÍ, GIÁC HOA, GIÁC QUANG.
Trong thời gian bay, Bác Giu, Anh Tuệ Linh và chúng tôi ngồi lại với nhau để thảo một bức điện gửi về Sàigòn cho Anh Huỳnh biết, Phái đoàn đã ra đến Huế, số Anh Chị em còn lại trò chuyện thoải mái nhưng thực ra ai cũng có tâm trạng nôn nóng mong cho phi cơ bay nhanh đến nơi, hầu hết các Nam Huynh Trưởng đều có ra phòng lái để nhìn xem phong cảnh, phi hành đoàn Mỹ thật là dễ dãi, anh em đi lại tự nhiên.
Sau 3 giờ 30 phút bay, Phi cơ đáp xuống Phi trường Phú Bài thì có Đại Đức Chánh Trực, Bác Quang, Anh Nguyễn Khắc Từ, Anh Mai Đình Nam ... đón Phái đoàn, rồi đưa chúng tôi về ngụ tại chùa Linh Quang do Thượng Tọa Mật Nguyện trụ trì, sau khi để tạm hành lý, Phái đoàn chúng tôi đi bộ đến Từ Đàm vào Chánh điện Lễ Phật, mọi người không khỏi  liên tưởng đến nơi đây năm 1951 đã thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và Đại Hội Huynh Trưởng đã đổi danh hiệu Gia Đình Phật Hóa Phổ thành Gia Đình Phật Tử, nơi đây cũng là nơi bùng nổ ra cuộc tranh đấu cho Tự do tín ngưỡng của Phật Giáo Việt Nam vào ngày Phật đản năm 1963.
Sau khi lễ Phật, Phái đoàn được Anh Nguyễn Khắc Từ hướng dẫn vào Hội Trường chùa Từ Đàm, nơi đây đang có Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Trung Phần, Đại Hội họp theo hình chữ O, Phái đoàn vào ngồi vị trí nhìn thẳng vào chủ tọa đoàn, sau lưng là cửa chính ra vào.
Chiều hôm đó Phái đoàn được tự do, sau bửa ăn trưa, một số các Anh thuê đò đi trên sông Hương rồi tắm ở sông Hương, viếng chùa Diệu Đế, đi chợ Đông Ba ... Buổi tối vào Đàn Nam Giao viếng Trại Họp Bạn Huynh Trưởng Quảng Đức.
Ngày 12-1-1964, Phái đoàn đến Đàn Nam Giao tham dự Lễ Khai mạc Trại Họp Bạn Quảng Đức. Trại cắm xung quanh Đàn Nam Giao, cho nên sau khi tham dự lễ, Phái đoàn được hướng dẫn lên Đàn, được giải thích sơ lược những vị trí cúng tế của Vua ngày xưa.
Đến trưa, Phái Đoàn tăng cường thêm hai Anh Nguyễn Quang Vui và Ngô Mạnh Thu, nhơn đi công tác ra Huế, công tác sáng hôm ấy đã xong, các Anh tham gia vào Phái đoàn cho đến ngày về.
Ngày 13-1-1964, Phái đoàn được Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên khoản đải một bửa ăn tại Giảng đường Chùa Từ đàm, trong các Chị tự nảy sinh ý kiến cần phải có một buổi Chiêu đải trả lễ, thế là chúng tôi hội ý và Bác Trưởng đoàn đã chính thức mời Ban Hướng Dẫn Thừa Thiên cũng như những Huynh Trưởng hiện diện trong buổi tiệc, vui lòng tham dự buổi Chiêu đải do Phái Đoàn Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Thủ đô mời vào ngày hôm sau cũng tại Giảng đường đó. Hôm sau các Chị đã trổ tài nấu nướng nào là bánh mì chiên, nào là chả giò và nước trái cây.
Chúng tôi không ngờ các Chị đã nấu ăn rất ngon, buổi Chiêu đãi của Phái đoàn Huynh Trưởng GĐPT Thủ đô rất vui vẻ, trong phần Văn nghệ giúp vui, một Chị trong Phái đoàn đã hát một bài hát của Anh Hoàng Trọng Cang, nhơn có Anh ở đó, một Huynh Trưởng đã hỏi Anh có cảm nghĩ thế nào khi nghe bài hát của mình được trình bày trong buổi tiệc, Anh Cang hóm hỉnh trả lời, Chị Trưởng ấy hát rất hay cho đến nỗi Anh không còn biết rằng : Đó là bài hát của mình!
Trong những ngày lưu lại đó, Phái đoàn được hướng đẫn viếng các chùa Trà Am, Từ Hiếu, Tây Thiên, nơi đây có con heo biết ăn trầu, Phật học đường Bảo Quốc, chùa Sư nữ nơi có Sư Bà Diệu Không, mẹ của nhà Bác học Bửu Hội. Viếng chùa Linh Mụ, có thỉnh một hồi chuông để biết :
Tiếng chuông Thiên Mụ, Canh gà Thọ Xương
Phái đoàn vào Thành nội viếng Điện Thái hòa, cửa Ngọ môn, Hồ Tịnh Tâm...cũng được đưa đi viếng một số lăng tẩm như Lăng Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định ... và cả lăng của Cậu Cẩn, lăng xây gần xong trên một ngọn đồi, đã bị dân chúng phá sau khi Cách mạng thành công, cũng có đến xem Trại 9 hầm, nơi đây Mật vụ Miền Trung đã biệt giam một số phạm nhân trong những căn hầm chật hẹp, ngập nước, phạm nhân không thể nằm cũng không thể đứng nếu không bỏ tiền ra mua những cục đá, đứng trên đó cho khỏi ướt chân !
Phái đoàn cũng được đưa đi viếng mộ của Đại Đức Thích Tiêu Diêu, Ngài đã tự thiêu cho công cuộc tranh đấu của Phật giáo, Ngài là thân phụ của Đại Đức Thích Thiên Ân, là Bác ruột của Chị Trưởng Tâm Huệ Hoàng Thị Kim Cúc, có đến viếng gia đình của Thánh tử đạo Đặng Văn Công, nhà ở khu vực gần chùa Bảo Quốc.
Phái đoàn có được một ngày ra tận Bến Hải để nhìn về phía bên kia sau bức màn sắt, ngày hôm đó phía bên kia không có treo cờ, cũng không có phát loa phóng thanh, chiếc cầu là để nối  giao thông, không ngờ chiếc cầu Hiền Lương lại là nơi ngăn cách, ngăn cách tình cảm thiên liêng nhất của con người, tình quê hương, thân thuộc, bạn bè. Trên đường về có ghé viếng Chùa Sắc Tứ Quảng Trị, viếng một Gia Đình Phật Tử ở vùng quê, các em đoàn sinh làm hàng rào danh dự đón chào giữa một buổi xế chiều, nắng gắt chói chan, rồi viếng Gia Đình Phật Tử Mỹ chánh, Gia Đình nầy sinh hoạt nơi ngôi chùa nằm cạnh cầu Mỹ chánh, sau nầy trở nên địa danh nhiều người biết đến trong trận chiến mùa Hè đỏ lửa năm 1972.
Một số chúng tôi cũng có đến viếng nhà thờ của nhà Cách mạng Phan Bội Châu, và đến thăm gia đình Anh Nguyễn Hữu Huỳnh, cả hai nơi nầy không xa Chùa Từ Đàm hay Linh Quang.
Sáng ngày 17-1-1964, Phái đoàn chúng tôi rời cố đô Huế trở về, trước khi ra về có chụp một tấm ảnh lưu niệm ở trước Chùa Linh Quang, có cả Chị Thu Nhi, vì chị tháp tùng theo Phái đoàn vào Sàigòn, ra tới Phi trường Phú Bài có nhiều Huynh Trưởng ở Huế đưa tiển như Anh Nguyễn Khắc Từ, Nguyễn Khắc Ủy và những Anh, Chị Trưởng khác, một cuộc chia tay nhiều người rơi lệ, tôi nhớ trong ca dao có câu :
Học trò xứ Quảng ra thi,
Thấy cô gái Huế chân đi không đành
.
Trên phi cơ mọi người có vẻ buồn bả vì còn động lại nổi buồn chia tay, Chị Ngân bảo tôi có viết thư nên hỏi xem Ai buồn hơn ai ?  Thư ấy, tôi nhận được trả lời Ta buồn như nhau .
Một chuyến đi thăm Gia Đình Phật Tử Huế, đem lại cho Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Thủ đô nhiều kinh nghiệm nhờ được chính mắt thấy, tai nghe.
Hơn 30 năm rồi, nhiều chuyện trong chuyến đi nầy tôi đã quên, nhưng vẫn không thể nào quên được cái vinh hạnh ngồi trong Hội Trường Chùa Từ Đàm dự Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Trung phần, vinh dự nầy thuộc về mọi Huynh Trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Thủ đô Sàigòn đã hoạt động trong thời gian Pháp nạn 1963, nhất là một em Nam Oanh Vũ 5 tuổi, thuộc Gia Đình Phật Tử Giác Hoa đã tham gia ngày tuyệt thực vĩ đại tại chuà Xá Lợi.
Louisville, ngày 9-5-1995
PHÚC TRUNG Huỳnh Ái Tông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét